Pháp nhân là gì? Tư cách pháp nhân quy định thế nào?
Mục lục bài viết
Vì vậy, để tìm hiểu sơ bộ về pháp nhân, quý khách hàng có thể tham khảo bài viết sau đây của Công ty Luật Minh Gia:
1. Pháp nhân là gì?
Mặc dù pháp luật không có quy định giải thích cụ thể về thuật ngữ pháp nhân nhưng trong khoa học pháp lý, các nhà khoa học thường quan niệm: Pháp nhân là một chủ thể của pháp luật được tổ chức và thành lập theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp lý độc lập để tham gia vào các hoạt động trong xã hội.
Theo đó, pháp nhân có những đặc điểm cơ bản như sau:
- Là tổ chức. Đây là đặc điểm để có thể phân biệt giữa pháp nhân với cá nhân.
- Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Vì vậy, những tổ chức được thành lập tự phát mặc dù có cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhưng cũng không được coi là pháp nhân;
- Có tài sản riêng;
- Có thể tham gia vào các quan hệ pháp luật.
2. Tư cách pháp nhân
Một pháp nhân được thành lập hợp pháp sẽ được pháp luật công nhận tư cách pháp lý nếu có đủ các đều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Thứ nhất, pháp nhân phải được thành lập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng thành lập pháp nhân tràn lan, hoạt động không hiệu quả hoặc thành lập pháp nhân để thực hiện, che giấu các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, quy định bắt buộc pháp nhân được thành lập theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định cũng góp phần giúp cho cơ quan nhà nước trong việc theo dõi, quản lý quá trình hoạt động của pháp nhân.
Thứ hai, pháp nhân có cơ cấu tổ chức theo quy định của pháp luật, bao gồm: Cơ quan điều hành, cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật. Cách thức tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân phải được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
Thứ ba, một pháp nhân phải đảm bảo có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình. Đây là điều kiện giúp chúng ta có thể phân biệt được rõ rệt nhất giữa pháp nhân và doanh nghiệp tư nhân. Trong điều kiện này xác định pháp nhân là một tổ chức có tài sản riêng và chỉ chịu trách nhiệm pháp lý trong phạm vi tài sản riêng của pháp nhân mà không yêu cầu người thành lập ra pháp nhân phải bỏ tiền túi của mình ra để chịu trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động của pháp nhân.
Thứ tư, pháp nhân có thể nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập. Bởi vì pháp nhân là một cá thể độc lập, được pháp luật công nhận tư cách riêng, có tài sản riêng nên pháp nhân có khả năng nhân danh mình để tham gia các quan hệ pháp luật mà không phải nhân danh chủ sở hữu hay người điều hành pháp nhân.
Để khuyến khích thành lập pháp nhân, pháp luật cho phép mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ một số trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Phân loại pháp nhân
Hiện nay, có nhiều tiêu chí khác nhau khác nhau để phân biệt pháp nhân, trong đó có thể phân loại pháp nhân dựa trên các tiêu chí sau đây:
Dựa trên tiêu chí quốc tịch, pháp nhân được phân loại thành pháp nhân Việt Nam và pháp nhân nước ngoài. Theo đó, pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam. Đối với pháp nhân nước ngoài, pháp luật Việt Nam không có giải thích cụ thể nhưng có thể hiểu pháp nhân nước ngoài là pháp nhân được thành lập theo pháp luật của nước ngoài, mang quốc tịch nước ngoài. Trong trường hợp pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài đó được xác định theo pháp luật Việt Nam.
Dựa trên tiêu chí thương mại có thể phân loại pháp nhân thành pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.
Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên. Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất