Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Phân chia di sản thừa kế như nào là đúng theo pháp luật?

Nhà em có khu đất cấp GCNQSĐ cho mẹ em là: hộ bà Lê Thị K. Nhưng mẹ và ba em đã chết. Hiện nay khu đất này nằm trong dự án bồi thường nên tất cả anh chị em đều đi làm thừa kế để lại cho em đứng tên nhượng quyền sử dụng đất.

  

Theo bản phân chia di sản được văn phòng công chứng lập cho em đứng tên tài sản này gồm các đồng thừa kế theo định pháp luật của hộ bà lê thị k nhượng quyền sử dụng đất cho em. Nhưng khi lập thủ tục bồi thường thì cán bộ ban bồi thường không đồng ý bản phân chia trên do e đứng tên, vì bản phân chia sai và kêu em đi làm lại. Vậy mong công ty luật cho em biết là tại sao sai và phân chia này sai thế nào?

 

 2. Luật đất đai mới 2013 và quyết định 23 về bồi thường quy định: tại điều 21 quyết định 23 hỗ trợ đối với những trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất là sao? đó là những trường hợp nào? ví dụ đã được cấp giấy chứng nhận đất nông nghiệp, nhưng hộ dân tự chuyên mục đích đất ở trước năm 2000 và hiện nay được ubnd xã xác nhận không tranh chấp, và phòng tài nguyên môi trường có văn bản xác nhận đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đất ở và trừ nghĩa vụ tài chính. Vậy trong trường hợp này khi được bồi thường thì ban bồi thường sẽ ghi là bồi thường hay hỗ trợ. Hoặc có nằm trong trường hợp điều 21 của quyết định 23 nêu trên không vậy?

 

Trả lời: Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, công ty tư vấn như sau:

 

Thứ nhất, về nội dung bản phân chia di sản thừa kế

 

Vì chúng tôi không trực tiếp xem bản phân chia di sản thừa kế của bạn nên không thể xác định nguyên nhân tại sản văn bản này bị sai. Theo nguyên tắc thì văn bản phân chia di sản thừa kế do văn phòng công chứng lập là đúng thẩm quyền và phải thực hiện thủ tục niêm yết theo quy định tại diều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP:

 

“Điều 18. Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản 

1. Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. 

Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản. 

Trường hợp di sản chỉ gồm có động sản, nếu trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản không ở cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổ chức hành nghề công chứng có thể đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản thực hiện việc niêm yết. 

2. Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết. 

3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết”.

 

Với trường hợp của bạn, bạn nên mang trực tiếp văn bản phân chia ra văn phòng công chứng đã lập để kiểm tra tính pháp lý của văn bản này. Nếu nó phù hợp với quy định pháp luật thì có thể làm đơn khiếu nại và gửi đến ban bồi thường giải phóng mặt bằng.

 

Thứ hai, về trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất

 

Các trường hợp không được bồi thường về đất căn cứ theo quy định tại điều 82 Luật đất đai 2013:

 

“Điều 82. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất không được bồi thường về đất

 

Nhà nước thu hồi đất không bồi thường về đất trong các trường hợp sau đây:

 

1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này;

 

2. Đất được Nhà nước giao để quản lý;

 

3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này;

 

4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này”.

 

 

Với trường hợp mà bạn trình bày thì gia đình bạn sẽ được bồi thường về đất ở sau khi trừ  đi nghĩa vụ tài chính mặc dù có thể chưa được cấp GCNQSDĐ nhưng phù hợp với quy hoạch và đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ theo quy định tại khoản 1, điều 75 Luật đất đai 2013:

 

“Điều 75. Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

 

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp”.

 

Vấn đề bồi thường cụ thể quy định tại điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ; tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

 

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Phân chia di sản thừa kế như nào là đúng theo pháp luật?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Luật gia: Việt Dũng - Công ty Luật Minh Gia 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo