Đinh Ngọc Huyền

Phân biệt chủng tộc quy định thế nào

Trong điều kiện của hệ thống chính trị có hỗ trợ sự biểu hiện của định kiến hay ác cảm trong hành động kỳ thị hoặc pháp luật, phân biệt chủng tộc ý thức hệ có thể bao gồm liên quan đến các khía cạnh xã hội như: bài ngoại, phân biệt đối xử, phân chia chủng tộc, thứ bậc xếp hạng, và chủ nghĩa thượng đẳng. Vậy định nghĩa phân biệt chủng tộc được pháp luật quốc tế hiện hành quy định như thế nào? Chế định của pháp luật giữa các quốc gia về các biện pháp phòng, chống phân biệt chủng tộc bao gồm những biện pháp nào? Luật Minh Gia xin được phân tích về vấn đề này thông qua bài viết dưới đây:

Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD) năm 1965 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có quy định về vấn đề phân biệt chủng tộc như sau:

1. Định nghĩa Phân biệt chủng tộc?

Theo Điều 1 của Công ước này có định nghĩa về thuật ngữ “phân biệt chủng tộc” như sau: 

Phân biệt chủng tộc nghĩa là bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế hoặc ưu đãi nào dựa trên cơ sở chủng tộc, màu da, dòng dõi, nguồn gốc dân tộc hoặc sắc tộc, với mục đích hoặc có tác dụng vô hiệu hóa hay làm giảm sự thừa nhận, hưởng thụ hoặc thực hành, trên cơ sở bình đẳng, các quyền và tự do cơ bản của con người về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc về bất kỳ lĩnh vực nào khác của đời sống công cộng.

...

Ví dụ về hành vi phân biệt chủng tộc:

- Sự gièm pha về chủng tộc, các nhận xét xúc phạm hoặc sỉ nhục về chủng tộc hoặc màu da của ai đó, hoặc ra dấu hiệu xúc phạm về chủng tộc.

- Đối xử với ai đó một cách thiếu thiện chí vì người đó kết hôn hoặc kết giao với một người có màu da hoặc chủng tộc nào đó.

- Trong lĩnh vực giáo dục, sự kỳ thị toàn bộ có thể bao gồm: định kiến để hướng học sinh thuộc các chủng tộc da màu vào các chương trình kỹ thuật thay vì vào các chương trình học vấn. Đồng thời, khi các cách đề bạt chú trọng vào những yếu tố văn hóa và tổ chức, mà những yếu tố đó dựa trên kinh nghiệm của những nhà giáo dục người da trắng thì kết quả là có ít người da màu ở các vai trò lãnh đạo

2. Quy định của Công ước về Phòng, chống chế độ phân biệt chủng tộc

Điều 2 của Công ước lên án phân biệt chủng tộc và bắt buộc các bên phải cam kết theo đuổi bằng mọi cách thích hợp và không chậm trễ chính sách xóa bỏ phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức. Công ước yêu cầu các bên ký kết:

- Mỗi Quốc gia thành viên cam kết sẽ không tham dự vào hoặc tiến hành các hành động phân biệt chủng tộc chống lại các cá nhân, nhóm người hay tổ chức nào, và đảm bảo rằng, mọi quan chức chính quyền cũng như các cơ quan nhà nước, ở cấp độ quốc gia và địa phương, sẽ hành động phù hợp với những nghĩa vụ này;

- Mỗi Quốc gia thành viên cam kết không bảo trợ, bảo vệ hoặc giúp đỡ hành động phân biệt chủng tộc của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào;

- Mỗi Quốc gia thành viên sẽ có những biện pháp hữu hiệu để rà soát lại các chính sách của chính phủ trung ương và chính quyền các địa phương và sẽ sửa đổi, hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa bất cứ đạo luật hay quy định nào có thể tạo ra hoặc tạo điều kiện cho sự phân biệt chủng tộc ở bất cứ đâu;

- Mỗi Quốc gia thành viên sẽ ngăn cấm và xóa bỏ hành động phân biệt chủng tộc của bất cứ cá nhân, tổ chức hoặc nhóm người nào bằng mọi biện pháp thích hợp, bao gồm cả bằng biện pháp lập pháp nếu thấy cần thiết;

- Mỗi Quốc gia thành viên cam kết sẽ khuyến khích, ở nơi nào thấy phù hợp, các tổ chức và phong trào liên kết đa chủng tộc, cũng như các biện pháp khác nhằm xóa bỏ sự ngăn cách giữa các chủng tộc, và hạn chế bất cứ điều gì có thể làm tăng sự phân biệt chủng tộc.

Ngoài ra, tại Điều 5 Công ước này cũng đã quy định về việc bình đẳng trong việc hưởng quyền như sau: Các Quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đặc biệt trong việc hưởng những quyền sau đây:

- Những quyền về chính trị, đặc biệt là quyền về bầu cử - được đi bầu và được ứng cử - trên cơ sở phổ thông đầu phiếu, quyền được tham gia vào chính phủ cũng như các hoạt động công cộng khác ở mọi cấp và được bình đẳng trong tiếp cận với các dịch vụ Công cộng;

- Quyền được đối xử bình đẳng trước các tòa án cũng như trước các cơ quan tài phán khác;

- Quyền an ninh cá nhân và được nhà nước bảo vệ chống lại những hành vi bạo lực hoặc gây xâm hại đến thân thể do các nhân viên nhà nước gây ra hoặc do bất cứ cá nhân, nhóm người hoặc cơ quan nào gây ra;

- Các quyền dân sự khác:

+ Quyền tự do đi lại và cư trú trong phạm vi lãnh thổ quốc gia;

+ Quyền được xuất cảnh khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả nước mình, và được quay trở lại nước mình;

+ Quyền có quốc tịch;

+ Quyền được kết hôn và được tự do lựa chọn người phối ngẫu;

+ Quyền sở hữu tài sản riêng cũng như sở hữu chung với những người khác;

+ Quyền thừa kế;

+ Quyền tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo;

+ Quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí;

+ Quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình;

- Các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa:

+ Quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm và được có các điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi, được bảo vệ chống thất nghiệp, được trả lương bình đẳng cho những công việc tương đương, được trả công công bằng và thích đáng;

+ Quyền được thành lập và tham gia các nghiệp đoàn;

+ Quyền có nhà ở;

+ Quyền được tiếp cận với y tế công cộng, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội và dịch vụ xã hội;

+ Quyền được giáo dục và đào tạo;

+ Quyền được tham gia bình đẳng vào các hoạt động văn hóa.

- Quyền được tiếp cận với bất kỳ địa điểm và dịch vụ công cộng nào, ví dụ như các phương tiện giao thông vận tải, khách sạn, nhà hàng, các quán giải khát, nhà hát, công viên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo