Phạm Diệu

Tội trộm cắp tài sản có được hưởng án treo không?

Luật sư tư vấn quy định về điều kiện hưởng án treo đổi với tội trộm cắp tài sản và các vấn đề liên quan theo quy định pháp luật hình sự 2015 và tình huống tư vấn theo quy định pháp luật hình sự trước đây để người dùng tham khảo, nội dung hỏi và trả lời tư vấn cụ thể như sau:

1. Tội trộm cắp tài sản có được hưởng án treo không?

Em chào anh/chị cho em hỏi một việc như sau: hiện tại em đang được tại ngoại, trước đó em có phạm tội là ăn cắp xe máy, cho em hỏi là với hoàn cảnh của em hiện tại là: em nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, do bộc phát chứ không có chủ đích, em là trụ cột trong gia đình, hiện tại vợ em đang mang thai, thì em có được tòa xem xét giảm nhẹ tội cho em không ạ, và em có được hưởng mức án treo không, mong anh/chị giải đáp giúp em quy định và điều kiện liên quan, em xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi đề nghị tư vấn đến Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội trộm cắp tài sản như sau:

“1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;

...''

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp có thể thấy bạn đang trong thời gian điều tra về tội trộm cắp tài sản. Nếu tài sản bạn trộm cắp dưới 50.000.000 đồng thì hành vi này của bạn sẽ bị xử phạt với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Điều 51 Bộ luật hình sự 2015 quy định như sau:

“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;

b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;

c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

…”

Như vậy, bạn có thể căn cứ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự đã nêu trên để xác định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp của mình.

Về hưởng án treo

Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 quy định về án treo như sau:

“1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

…”

Bên cạnh đó, Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP quy định về điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo như sau:

“Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.

2. Có nhân thân tốt.

Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

3. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

4. Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.

5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.”

Nếu bạn bị kết án phạt tù dưới 03 năm và bạn đáp ứng được đầy đủ các điều kiện đã nêu tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP đã nêu trên thì Tòa án có thể xem xét cho bạn được hưởng án treo.

---

2. Hỏi về hưởng án treo khi phạm tội trộm cắp tài sản

Câu hỏi:

Chào luật sư! Luật sư cho em hỏi: anh rể em phạm tội trộm cắp lần này là lần thứ 3 vào tháng 12/2013. Lần thứ 2 anh phạm tội là vào tháng 10/2013 đã bị xử phạt hành chính. Hiện anh là lao động chính trong gia đình nuôi con nhỏ được 14 tháng tuổi và mẹ già bị bệnh thần kinh. Vợ anh chưa có việc làm. Vậy anh em có khả năng được hưởng án treo không ạ? Hiện tại anh đang bị tạm giam, vậy gia đình có thể bảo lãnh cho anh về tại ngoại cờ khi nào tòa triệu tập được không ạ?

Trả lời:

Trường hợp bạn hỏi Công ty Luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại Bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì:

''1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

...''Căn cứ vào quy định của pháp luật thì để được hưởng án treo phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, bị xử phạt tù không quá ba năm.

Thứ hai, có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân, chưa có tiền án tiền sự, có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể rõ ràng.

Thứ ba, có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng.

Thứ tư, nếu không bắt người phạm tội chấp  hành hình phạt thì không gây nguy hiểm cho xã hội.

Khi đáp ứng đủ những điều kiện trên thì anh bạn sẽ được hưởng án treo. Tuy nhiên như bạn đã trình bày với chúng tôi thì đây là lần phạm tội thứ ba của anh bạn, do đó anh bạn không phải là một người có nhân thân tốt và việc này dẫn đến anh bạn không đáp ứng đủ điều kiện để được hưởng án treo.

Đối với vấn đề bảo lãnh thì trong tố tụng hình sự không có quy định về vấn đề bảo lãnh mà chỉ có quy định về vấn đề bảo lình. Bảo lĩnh được quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự như sau:

''1. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh...''

Bởi vì biện pháp bảo lĩnh sẽ được thay thế cho biện pháp tạm giam, cá nhân hoặc tổ chức làm giấy cam đoan phải có nghĩa vụ không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội, bảo đảm sự có mặt của bị can bị cáo theo giấy triệu tập, do vậy khi áp dụng biện pháp bảo lĩnh thì bị can, bị cáo thường là người phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ khai báo thành khẩn… Đối với trường hợp của anh bạn thì đây là lần phạm tội thứ ba, nhân thân không còn trong sạch, nên việc làm giấy bảo lĩnh để thay thế biện pháp tạm giam sẽ rất khó được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án chấp nhận và áp dụng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169