Luật sư Dương Châm

Phải làm gì khi có hai sổ bảo hiểm xã hội?

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội. Đối với mỗi người lao động đều tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó sổ bảo hiểm xã hội là căn cứ quản lý, ghi nhận thời gian và chế độ bảo hiểm xã hội của mỗi người

1. Luật sư tư vấn về đóng trùng bảo hiểm xã hội

Hiện nay tình trạng một người lao động có nhiều sổ BHXH và thời gian tham gia BHXH bị đóng trùng diễn ra rất nhiều. Điều này dẫn đến việc người lao động gặp khó khăn trong quá trình chốt sổ bảo hiểm xã hội hay giải quyết các chế độ bảo hiểm liên quan. 

Nếu bạn hoặc công ty bạn đang có người lao động gặp phải tình huống như trên thì bạn có thể liên hệ đến Luật Minh Gia bằng hình thức gửi câu hỏi qua email hoặc gọi Hotline: 1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

2.  Cách xử lý khi đóng trùng bảo hiểm xã hội

Câu hỏi: Tôi xin được tư vấn về trường hợp 2 sổ bảo hiểm trùng 7 tháng đóng bảo hiểm ạ. Cụ thể, tôi xin trình bày như sau:

1, Năm 2011 tôi đi làm ở cty A, đến tháng 6/2012 thì tôi viết đơn nghỉ việc nhưng giám đốc đã không chấp nhận và tuyên bố không giải quyết các chế độ cũng như trả lương tháng cuối cho tôi. Thực tế thì ông ấy đã làm như thế thật.

2, tháng 8 năm 2012, khi làm việc ở cty B, tôi đã làm sổ bảo hiểm khác.

3, Khoảng đầu năm 2015, chị kế toán công ty A (mới nghỉ việc) đã điện thoại thông báo về việc tôi có được chốt sổ BH và đã mang tới nhà giúp tôi.

4, Tôi đã trình bày với người phụ trách BH cty B về việc này thì được tư vấn là nên đi thanh toán 1 lần. Tôi đã làm thủ tục thanh toán 1 lần cũng trong năm 2015.

5, Gần đây khi đi cập nhật lại số thẻ căn cước thì tôi được cán bộ hành chính công tra giúp là tôi có 2 sổ BH, và 2 sổ đang bị trùng 7 tháng đóng BH, từ tháng 8/2012 ~ 2/2013. Lý do trùng thì tôi không rõ, tôi đã khai báo mẫu TS1 nhờ gộp sổ nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Cán bộ hành chính công và cán bộ bảo hiểm nói là có vẻ rất khó khăn và không thể xử lý.

Tôi xin nhờ anh chị tư vấn giúp, nếu trong TH không gộp sổ cho tôi thì có sao không ạ? Và có ảnh hưởng gì đến việc thanh toán lương hưu sau này không ạ? Tôi xin cảm ơn anh chị nhiều!

Nội dung tư vấn: Đối với những thắc mắc của anh, Minh Gia xin được giải đáp như sau:

Thứ nhất, về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần vào năm 2015 khi anh vẫn đang làm việc tại công ty B là không đúng như pháp luật quy định, bởi anh không thuộc đối tượng được hưởng chế độ này, được quy định tại khoản 1 điều 60 luật Bảo hiểm xã hội 2014: 

“Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.”

Năm 2015, anh đang làm việc theo HĐLĐ tại công ty B và vẫn đang trong thời gian tham gia bảo hiểm xã hội nên anh không phải là đối tượng được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Thứ hai, về việc giảm trùng thời gian tham gia BHXH:

Hiện nay, anh đang có 2 số sổ BHXH và bị đóng trùng thời gian 7 tháng, do vậy anh phải làm thủ tục giảm trùng sổ bảo hiểm xã hội. Theo khoản 8 điều 3 mục 2 chương I Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31 tháng 01 năm 2019 quy định: 

“Đối với trường hợp giải quyết không đúng chế độ BHXH do lỗi của cơ quan BHXH dẫn đến chi trả không đúng đối tượng hoặc nhiều hơn mức quy định thì số tiền chi trả sai phải được thu hồi đầy đủ theo nguyên tắc sai sót ở khâu nghiệp vụ nào thì bộ phận và cá nhân thực hiện nghiệp vụ ở khâu đó có trách nhiệm thu hồi; trường hợp không thu hồi được số tiền đã chi trả, thì bộ phận, cá nhân có liên quan để xảy ra sai sót có trách nhiệm bồi hoàn đầy đủ số tiền không thu hồi được theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, bên cơ quan bảo hiểm sẽ chủ động yêu cầu anh hoàn lại số trợ cấp mà anh đã nhận vào năm 2015. Nếu trong trường hợp anh đã tới nộp đơn yêu cầu gộp sổ nhưng không được giải quyết theo hướng này thì căn cứ vào các điểm 1, 4, 6 phần “I. Các nguyên tắc xử lý liên quan đến gộp sổ BHXH” của Công văn 3663/BHXH-THU về hướng dẫn nghiệp vụ liên quan tới việc gộp sổ BHXH của người lao động có nhiều sổ:

“1. Người lao động nộp sổ BHXH cấp trùng cho đơn vị đang làm việc hoặc đơn vị tham gia BHXH sau cùng đã chốt sổ, để lập hồ sơ và chuyển cho cơ quan BHXH gộp sổ. Trường hợp đơn vị tham gia BHXH cuối cùng giải thể, hoặc NLĐ đã chốt sổ nghỉ việc và hiện tại không tham gia BHXH, thì NLĐ nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH, nơi đơn vị cuối cùng đăng ký tham gia BHXH để gộp sổ.

4. Sổ BHXH mà NLĐ đã hưởng các chế độ trợ cấp, thì xác nhận dữ liệu đã hưởng tương ứng với các phương án theo quy định, quá trình còn lại chưa hưởng chế độ trợ cấp thì vẫn được bảo lưu.

6. NLĐ có quá trình tham gia BHXH trùng nhau thì phải giảm quá trình trùng tương ứng, kể cả sổ có thời gian chưa hưởng chế độ mà trùng với sổ có thời gian đã hưởng trợ cấp 1 lần, trợ cấp thất nghiệp cũng phải giảm trùng đến tháng liền kề của sổ đã hưởng trước đó, khi giảm trùng thì phải thu hồi số tiền trợ cấp BHXH đã hưởng (nếu có).”

Khi đó, anh nộp cả 2 sổ BHXH anh hiện có cho công ty anh đang việc và cả các quyết định liên quan về giải quyết hưởng BHXH  một lần năm 2015 và các giấy tờ khác mà công ty yêu cầu cung cấp để lập hồ sơ xin giảm trùng và gộp sổ BHXH cho anh. Cùng với đó, anh chuẩn bị khoản tiền để hoàn lại cho cơ quan bảo hiểm khi có yêu cầu để họ thực hiện việc giảm trùng và gộp sổ cho mình.

Thứ ba, về việc gộp sổ BHXH:

Theo tinh thần của pháp luật lao động thì mỗi người chỉ sở hữu một sổ BHXH cho dù có tham gia quan hệ lao động ở nhiều nơi. Vì vậy, việc anh có hai sổ BHXH sẽ gây ảnh hưởng tới việc giải quyết các chế độ về sau của anh có thể phát sinh. Do đó, anh cần thực hiện việc gộp sổ BHXH, thủ tục sẽ do công ty anh đang làm việc và cơ quan bảo hiểm thực hiện.

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169