Đinh Thị Minh Nguyệt

Ô nhiễm môi trường là gì? Vi phạm bị xử lý thế nào?

Thuật ngữ "ô nhiễm môi trường" chắc hẳn không còn quá xa lạ với mỗi người dân chúng ta bởi đây là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chính phủ cũng đã đặt ra nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này, trong đó bao gồm những quy định pháp luật áp dụng với cá nhân, tổ chức để đảm bảo việc thực hiện bảo vệ môi trường và các chế tài xử phạt với những hành vi gây ô nhiễm, mức cao nhất có thể lên đến phạt tù. Để làm rõ hơn về vấn đề này, công ty Luật Minh Gia xin đưa ra tư vấn qua bài viết sau.

1. Quy định về ô nhiễm môi trường

Khoản 12 điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định:

Ô nhiễm môi trường là sự biến đổi tính chất vật lý, hóa học, sinh học của thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, sinh vật và tự nhiên.”

Theo định nghĩa này, khi môi trường sống xung quanh bị biến đổi mà không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật đã được đặt ra, gây nên những tác hại cho sức khỏe của con người, sinh vật và ảnh hưởng đến tự nhiên thì được coi là ô nhiễm môi trường.

Các loại ô nhiễm môi trường phổ biến bao gồm:

- Ô nhiễm không khí

- Ô nhiễm nguồn nước

- Ô nhiễm môi trường đất 

- Ô nhiễm tiếng ồn

2. Vi phạm quy định về môi trường bị xử lý thế nào?

Hiện nay, các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là xử lý hình sự.

Đối với những vi phạm hành chính, hình thức xử phạt theo quy định tại điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP bao gồm:

- Cảnh cáo

- Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức

- Áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung

- Áp dụng các biện pháp buộc khắc phục hậu quả  

Cụ thể, các hình thức này thực hiện như sau:

Thứ nhất, về hình thức cảnh cáo:

Quy định này được áp dụng với các hành vi vi phạm ở mức độ thấp, vi phạm lần đầu, ví dụ: hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần tương đương mức vượt quy chuẩn kỹ thuật là 10% (khoản 1 điều 13 Nghị định 155/2016/NĐ-CP); hành vi thải mùi hôi thối vào môi trường; thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (khoản 1 điều 15 Nghị định 155/2016/NĐ-CP); hành vi làm phát tán hóa chất, hơi dung môi hữu cơ trong khu sản xuất hoặc khu dân cư gây mùi đặc trưng của hóa chất, hơi dung môi hữu cơ đó; thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 1,1 lần (khoản 1 điều 16 Nghị định 155/2016/NĐ-CP);…

Thứ hai, về hình thức phạt tiền:

Đây là hình thức phổ biến nhất, được áp dụng với các hành vi gây ô nhiễm môi trường vượt trên mức cảnh cáo nhưng chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã liệt kê các hành vi gây ô nhiễm môi trường ở mức độ khác nhau với mức phạt tương ứng. Số tiền phạt đối với hành vi này không vượt quá 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Thứ ba, về các hình thức xử phạt bổ sung:

Các hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường đã được quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP, trong đó có thể kể đến một số biện pháp như: Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với một số loại giấy phép; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với cơ sở có hành vi xả nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung, vượt mức theo quy định của pháp luật; …

Thứ tư, về các biện pháp khắc phục hậu quả:

Theo quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP,  bổ sung bởi điểm b khoản 4 điều 1 Nghị định 55/2021/NĐ-CP, một số biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm hoặc phục hồi môi trường bị ô nhiễm do vi phạm hành chính gây ra; Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn và độ rung, phát sáng, phát nhiệt, quản lý chất thải rắn và chất thải nguy hại, xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường;…

Bên cạnh những hình thức nêu trên, các cá nhân, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường còn có thể bị xử lý hình sự nếu vi phạm các quy định theo điều 235 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Theo đó, mức phạt cao nhất đối với hành vi này đối với cá nhân là phạt tiền đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù đến 07 năm, đối với tổ chức là phạt tiền đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo