Nồng độ cồn là gì? Mức phạt nồng độ cồn theo quy định?
Mục lục bài viết
1. Nồng độ cồn là gì?
Nồng độ là khái niệm cho biết lượng hóa chất trong một hỗn hợp, thường là dung dịch.
Như vậy trong lĩnh vực giao thông, nồng đồ cồn là phần trăm lượng cồn (ethyl hoặc ethanol) có trong máu của một người hoặc là trong hơi thở của một người.
2. Vì sao trong máu lại có nồng độ cồn?
Nông độ cồn trong máu được ký hiệu là BAC (tiếng Anh là Blood Alcohol Concentration). BAC 0,01% có nghĩa là có 0,01 gram rượu trong 100 ml máu.
Khi sử dụng các loại đồ uống có cồn như rượu, bia,… dạ dày và ruột non đảm nhận chức năng tiêu hóa sẽ hấp thụ ethanol có trong các loại đồ uống có cồn, nhờ đó ethanol sẽ được hấp thụ vào trong máu và nhờ quá trình tuần hoàn của máu mà ethanol được máu vận chuyển đi thẳng đến gan. Ở đây, gan sẽ chuyển hóa lượng cồn, nhưng thường thì gan chỉ có thể chuyển hóa một lượng ethanol nhất định trong một khoảng thời gian nhất định tùy vào từng người. Phần còn lại chưa được chuyển hóa sẽ được máu vận chuyển mang đi khắp cơ thể đến não, phổi,…. Theo đó, ta có thể hiểu rằng khi uống đồ uống có cồn thì máu của mình sẽ trở thành dung dịch có ethanol (cồn). Nên ta mới có khái niệm nồng độ cồn trong máu.
Vì lượng máu vẫn giữ nguyên còn ethanol lại càng ngày càng được hấp thụ nhiều khi sử dụng nhiều rượu, bia, điều đó khiến cho nồng độ cồn trong máu càng cao hơn. Do đó mới có nồng độ cồn cao thấp khác nhau.
3. Nồng độ cồn trong hơi thở
Trong khi được máu vận chuyển đi khắp cơ thể, ethanol không thay đổi về mặt cấu trúc hóa học trong máu. Do đó, khi máu đi qua phổi, do cồn dễ bay hơi nên cồn dễ dàng di chuyển qua màng hô hấp của phổi đi vào không khí. Nồng độ của rượu trong không khí phế nang phản ánh đến nồng độ cồn trong máu. Khi cồn trong phổi đi ra ngoài khi thực hiện động tác thở ra, thiết bị kiểm tra nồng độ cồn bằng máy đo nồng độ cồn có thể phát hiện ra nồng độ cồn trong hơi thở.
Do đó, thay vì phải lấy máu của tài xế để kiểm tra nồng độ cồn, cảnh sát giao thông có thể kiểm tra hơi thở của tài xế ngay tại chỗ và nhanh chóng để biết liệu tài xế này có sử dụng rượu bia vi phạm giao thông hay không.
4. Những tác động của cồn với cơ thể người
Trong khi được máu vận chuyển đi khắp cơ thể, ethanol sẽ không thể bỏ qua việc ghé thăm vào não bộ của bạn. Ở đây, ethanol giải phóng các Dopamine ở vỏ não gây cảm giác dễ chịu, lâng lâng và sau đó nó liên kết với các cơ quản thụ cảm thần kinh. Trong các cơ quan thụ cảm này có Glutamate, ethanol ức chế các hoạt động của Glutamate; sự ức chế này khiến các liên kết nơron không ổn định làm cho não chậm đáp ứng với các kích thích nên bạn thấy cơ thể mình phản ứng chậm với tác động xung quanh nếu thiếu tập trung.
Ngoài ra, etanol còn liên kết với GABA (axit gamma aminobutyric) nhưng trái với sự ức chế Glutamate, etanol kích hoạt các thụ thể GABA. Và chính GABA là chất khiến chúng ta khi say lại cảm thấy “nhẹ như bay”, bao nhiêu muộn phiền tiêu tan, khiến bạn thấy bình tĩnh hơn kèm theo cảm giác buồn ngủ, chao đảo nhè nhẹ, phiêu phiêu.
Đấy chính là lý do mà trong lĩnh vực giao thông cấm người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi mà thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan rượu bia.
5. Mức phạt nồng độ cồn theo quy định hiện nay
Căn cứ theo quy định pháp luật tại khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông 2008, nghiêm cấm hành vi sau đây khi tham gia giao thông:
“Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.”
Điều khoản trên được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020:
“1. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:
“8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.”
Theo đó, với quy định mới hiện nay thì chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì đã vi phạm quy định về giao thông đường bộ. Sẽ không còn quy định về mức nồng đồ cồn tối đa được phép tham gia giao thông nữa.
* Về mức xử phạt:
- Đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô (Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP):
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy (Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP):
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dụng (Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP):
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
- Đối với xe đạp, xe đạp điện (Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP):
- Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở;
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở;
- Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng:
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất