Luật sư Vũ Đức Thịnh

Các khoản phụ cấp không phải đóng BHXH

Phụ cấp lương là một trong những khoản thu nhập người lao động được hưởng cùng tiền lương nhận hằng tháng. Tuy nhiên, không phải người lao động nào cũng được hưởng thêm phụ cấp mà còn phụ thuộc vào tính chất công việc và sự thỏa thuận của người sử dụng lao động và người lao động.

Hiện nay, có một số khoản phụ cấp người lao động được nhận phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. ​Vậy pháp luật hiện nay quy định như thế nào về tiền phụ cấp? Các khoản phụ cấp nào được hưởng không phải tham gia bảo hiểm xã hội?

Câu hỏi tư vấn: Kính gửi anh chị bên công ty Luật Minh Gia: Theo luật của bảo hiểm xã hội được áp dụng từ ngày 01/01/20xx thì các khoản phụ cấp bao gồm xăng xe, điện thoại, đi lại, nhà trọ, chuyên cần sẽ không tính đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng tôi cũng có thấy câu này: Các khoản bổ sung khác phải đóng bảo hiểm xã hội: "Các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và được chi trả thường xuyên trong mỗi kỳ lương "Anh chị cho em hỏi như sau: VD: Trưởng phòng kỹ thuật bên tôi có tổng lương là 30tr với mức lương cơ bản và các khoản phụ cấp thể hiện chi tiết trên hợp đồng lao động nhu sau: + Lương cơ bản: 7.000.000 (Lương đóng BHXH) + Trợ cấp đi lại: 7.000.000 + Trợ cấp nhà trọ: 7.000.000 + Trợ cấp điện thoại: 5.000.000 + Chuyên cần:  3.000.000.

1/ Như vậy Anh Chị cho tôi hỏi là mỗi tháng em chỉ cần đóng BHXH cho vị trí này là 7.000.000 đồng là có đúng không Anh Chị.

2/ Các khoản phụ cấp tôi nêu ở trên cao như vậy thì có vi phạm luật gì không các anh chị. Luật có qui định cụ thể nào về mức phụ cấp trên không.

3/ Các khoản trợ cấp cho vị trí này vẫn lãnh thường xuyên ở mỗi kỳ trả lương và có thể hiện trên hợp đồng lao động. Những khoản này tôi không tính đóng BHXH có vi phạm không anh chị.

Anh chị có lời khuyên nào để tôi khắc phục sai phạm này không các anh chị. Rất mong nhận được sự phản hồi từ anh chị. Tôi chân thành cám ơn.

Trả lời nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Thứ nhất, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Theo Khoản 2, 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH được sửa đổi bổ sung bởi Khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH quy định:

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến ngày 31 tháng 12 năm 2020, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều này và các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại điểm a, tiết b1 điểm b và tiết c1 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nội dung của hợp đồng lao động, Hội đồng thương lượng tập thể và nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản, nuôi con (sau đây viết tắt là Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH).

3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.”.

Căn cứ theo các quy định nêu trên thì bắt đầu từ năm 2018 trở đi, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác bao gồm:

+ Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

+ Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ;

+ Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương;

Như vậy, việc đóng BHXH sẽ không phải tính trên mức lương cộng với tất cả các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Ngoài ra, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ trừ các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ,... được coi là những khoản không phải tính đóng bảo hiểm xã hội. Vậy nên hàng tháng trường hợp của công ty bạn chỉ phải đóng bảo hiểm cho mức lương 7.000.000 và các khoản trợ cấp trên không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, về quy định mức phụ cấp của người lao động

Theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định:

Phụ cấp lương theo thỏa thuận của hai bên”.

Theo đó, pháp luật không đặt ra mức phụ cấp lương cụ thể mà sẽ do người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận với nhau, tùy vào từng công việc, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Bên cạnh đó, quy định này cũng không liệt kê cụ thể các loại phụ cấp lương mà chỉ nêu chung về mục đích các khoản phụ cấp lương. Tuy nhiên, căn cứ Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, có thể kể đến các loại phụ cấp lương sau: Phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động; phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Như vậy, các khoản phụ cấp là do người sử dụng lao động và người lao động được tự do thỏa thuận mức phụ cấp trong hợp đồng lao động. Pháp luật hiện nay không có quy định về mức tối đa và mức tối thiểu của các loại phụ cấp nêu trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo