LS Hồng Nhung

Những bất lợi khi mua bán vé máy bay qua mạng xã hội

Mua vé máy bay qua mạng xã hội bị lừa đảo thì bảo vệ quyền lợi của bên mua như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

 

Nội dung tư vấn: Tôi có một vấn đề xin hỏi như sau: Tôi mua tham gia vào một group mua bán vé máy bay trên Facebook. Qua tìm hiểu trong group, tôi đã liên hệ với một người qua Facebook để mua vé may bay để bán lại cho khách hàng. Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục giao dịch (bao gồm chuyển tiền vé máy bay qua ngân hàng, gửi thông tin vé máy bay...), khách hàng của tôi không thể check-in vì lí do vé máy bay không hợp lệ. Tôi đã liên lạc với những người khác trong group và biết được họ cũng bị lừa đảo bởi những tài khoản Facebook khác nhau nhưng giao dịch qua cùng một số tài khoản ngân hàng và một số điện thoại giống tôi. Số tiền vé máy bay tôi bị lừa đảo là 3.100.000 VNĐ. Hiện nay, tôi không thể tìm lại tin nhắn qua Facebook với CTK Facebook lừa đảo và bài post rao bán vé máy bay mà chỉ có số tài khoản và tên chủ tài khoản giao dịch cùng với các giấy tờ chứng minh giao dịch qua ngân hàng và giấy xác nhận hành trình chuyến bay.

Nay tôi muốn tố các hành vi lừa đảo trên, tôi thắc mắc liệu có thể tố cáo chủ tài khoản Facebook có hành vi lừa đảo trên không?

 Nếu được, thì tôi sẽ tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 BLHS 2015 hay hành vi sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 290 BLHS 2015?

Tôi xin cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015:

 

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

...”

Vậy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người bằng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác; thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Theo đó, xác định các yếu tố cấu thành tội phạm này như sau:

 

Thứ nhất, về chủ thể thực hiện tội phạm:

 

Theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

 

1. Người từ đủ 16 tui trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

 

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

 

Thứ hai, khách thể của tội phạm:

 

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội phạm xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Trong trường hợp này, bạn bị xâm phạm 3.100.000 VNĐ thuộc Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

 

Thứ ba, mặt khách quan của tội phạm:

 

Hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được chủ thể thực hiện tội phạm sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu tài sản và sự gian dối thể hiện trước khi chiếm đoạt được tài sản.

 

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm: tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý.

 

Đối với tội phạm quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự:

 

“Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử thực hiện một trong những hành vi sau đây, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 173 và Điều 174 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của Cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

 

b) Làm, tàng trữ, mua bán, sử dụng, lưu hành thẻ ngân hàng giả nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

 

c) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;

 

d) Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp hoặc giao dịch chứng khoán qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản;

 

đ) Thiết lập, cung cấp trái phép dịch vụ viễn thông, internet nhằm chiếm đoạt tài sản.

...”

Các yếu tố cấu thành tội này như sau:

 

Chủ thể thực hiện tội phạm: người có đủ khả năng chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

 

Khách thể: tội phạm này xâm phạm hoạt động bình thường trong lĩnh vực công nghệ, thông tin và viễn thông.

 

Mặt khách quan của tội phạm:

 

Mục đích của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản; sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số làm công cụ phạm tội.

 

Hành vi khách quan của tội phạm thể hiện ở một trong những dạng sau:

 

- Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, làm giả thẻ ngân hàng là việc cá nhận không có thẩm quyền sản xuất, phát hành thẻ ngân hàng nhưng sản xuất thẻ giống như thẻ ngân hàng (trong đó có chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ của ngân hàng phát hành).

 

- Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản, tức là việc cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa hoặc sử dụng mã truy cập của người khác mà không được sự cho phép của người đó để truy cập vào tài khoản không phải của mình để chiếm đoạt tài sản.

 

- Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi lừa đảo ở đây thể hiện ở việc sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật về một sản phẩm, một vấn đề, lĩnh vực trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu trên mạng nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản, làm cho họ tưởng là thật và mua, bán hoặc đầu tư vào lĩnh vực đó;

 

- Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hành vi khác ở đây có thể gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn, quảng cáo bán hàng trên mạng internet, mạng viễn thông nhưng không giao.

 

Mặt chủ quan: tội này được người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.

 

Như vậy, với hành vi lập tài khoản giả mạo để chiếm đoạt tài sản của bạn với trị giá 3.100.000BVND có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành. Và, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể tố giác hành vi phạm tội của bên bán tại cơ quan điều tra công an quận/huyện nơi bạn đang cư trú hoặc nơi bên bán vé máy bay cư trú theo Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

 

Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

 

Theo đó, cơ quan điều tra sẽ tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của bạn, nếu có đủ căn cứ thì sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can theo trình tự, thủ tục mà pháp luật tố tụng hình sự quy định.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV: H.Nhung - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169