LS Nguyễn Thùy Dương

Nhờ đứng tên vay tiền Ngân hàng rồi bỏ trốn

Nếu nhờ người khác đứng tên trên giấy tờ để vay ngân hàng thì ai sẽ có nghĩa vụ trả nợ? Người nhờ vay giùm trốn tránh việc trả nợ thì giải quyết như thế nào?

 

Câu hỏi yêu cầu tư vấn: Thưa luật sư, ngày 19/1/2015 bạn tôi công tác tại Ngân hàng NN & PTNT có nhờ tôi đứng tên trên giấy tờ để mượn ngân hàng NN & PTNT số tiền 30.000.000 (Ba mươi triệu đồng) và hứa sẽ không làm ảnh hưởng đến tôi cũng như công việc của tôi hàng tháng bạn tôi sẽ trả số tiền lãi là 700.000đ/tháng nhưng đến tháng 6/2016 bạn tôi bị kỷ luật và bị đuổi việc nên không có tiền để trả lãi hàng tháng nên tôi đã gọi điện và đã thông báo với gia đình nhưng không nhận được câu tra lời tôi đã bị ngân hàng đòi và đã phải trả nợ 3 tháng tiền lãi cho anh bạn của tôi. Tôi xin hỏi luật sư hành động của bạn tôi như vậy có phải tội lạm dụng chiếm đoạt tải sản không? tôi có làm đơn kiện được không? cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết cho tôi? Tôi xin chân thành cảm ơn luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Trong trường hợp này, tuy bạn đứng ra vay tiền dùm người khác nhưng bạn lại là người trực tiếp ký tên trên giấy vay nợ, do vậy hợp đồng vay tài sản ở đây được xác lập giữa bên cho vay với bạn chứ không phải là người bạn kia. Do đó, bạn với tư cách là bên vay tài sản phải có nghĩa vụ trả đủ tiền đã vay khi đến hạn và trả tiền lãi hàng tháng. 

 

Nếu bạn không hoàn trả số tiền đó thì phía cho vay có quyền khởi kiện bạn.

 

Với người bạn kia, nếu có đủ chứng cứ chứng minh người đó nhờ bạn đứng tên để vay tiền, bạn có thể yêu cầu người đó trả lại khoản tiền mà bạn đã vay giúp. Theo thông tin bạn cung cấp cho thấy hành vi của người bạn này có những dấu hiệu pháp lý của Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009 với tình tiết định tội danh là “bỏ trốn”. 

 

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

 

 a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

 

 b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản".

 

Bạn có thể làm đơn tố cáo và gửi đến cơ quan điều tra cấp huyện nơi bạn cư trú để cơ quan điều tra tiến hành việc điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ để dựa vào đó xem xét có ra quyết định khởi tố hay không. Nội dung đơn tố cáo bao gồm: họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, chức vụ, hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo; những yêu cầu liên quan của người tố cáo.

 

Tuy nhiên, việc tố cáo của bạn cần phải kèm theo các chứng cứ để chứng minh việc bạn đã giao tiền cho người bạn kia và những thông tin liên quan đến việc trao đổi, yêu cầu thanh toán giữa bên bạn với họ. Còn trách nhiệm của bạn, bạn vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ với Ngân hàng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nhờ đứng tên vay tiền Ngân hàng rồi bỏ trốn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

Cv Nguyễn Thùy Dương - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn