Luật sư Phùng Gái

Nhiệm vụ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của cơ quan điều tra?

Câu hỏi tư vấn: Con của cô tôi (em ruột cha) trình báo với công an là gia đình bị trộm đột nhập lấy cắp hơn 17 triệu đồng cùng với 2 chiếc điện thoại . Ngày hôm sau tôi nhận được giấy triệu tập của công an huyện lên Uỷ ban nhân dân xã để làm việc thì tôi cũng đến, khi đó tôi liền hỏi tại sao lại triệu tập tôi thì công an trả lời tôi là do gia đình người bị hại nghi ngờ tôi, tôi rất bức xúc về điều này.

 

Sau đó công an còn lấy cả dấu vân tay của tôi, cuối biên bản tôi có ghi nếu điều tra ra không phải tôi thi các người làm như thế nào, 1 tuần sau tôi lại bị mời lên làm việc cha tôi và em trai tôi đi cùng tôi, đến nơi tôi hỏi như lần trước thì họ trả lời hỏi lại cho chắc chắn và lại lấy dấu vân tay của tôi, hơn nữa còn lấy cả của cha tôi và em trai đi cùng. Từ đó đến nay không có tin gì, việc này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia đình tôi. Vậy việc cơ quan công an làm như vậy có đúng với quy định pháp luật.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Cụ thể:

 

“Điều 147. Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

 

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

 

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

 

c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố...”

 

Đồng thời, Thông tư số 28/2014/TT-BCA về công tác điều tra hình sự trong công an nhân dân.

 

Điều 27. Trách nhiệm trong tiếp nhận, phân loại tố giác, tin báo về tội phạm

 

1. Công an cấp xã, đồn, trạm Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

 

2. Khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm (kể cả trường hợp tự phát hiện trong khi làm nhiệm vụ), Công an cấp xã, đồn, trạm Công an có trách nhiệm xác minh sơ bộ ban đầu để phân loại. Nếu xác định thông tin đó là tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm đó kèm theo các tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết; trường hợp xác định thông tin đó không phải là tố giác, tin báo về tội phạm thì xử lý theo quy định khác của pháp luật.

 

Và thông tư 01/2017/TTLT-BCA-BTC-BNN-PTNT-VKSNDTC quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm kiến nghị khởi tố như sau:

 

Điều 5. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

 

“...2. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

 

a) Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

 

b) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục...”

 

 Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì trong trường hợp của bạn khi đã có đơn trình báo về sự việc mất trộm (lấy cắp hơn 17 triệu đồng cùng với 2 chiếc điện thoại) và phía người làm đơn đưa ra căn cứ nghi ngờ gia đình bạn có liên quan, cơ quan công an cấp huyện đã thụ lý đơn và giao cho cơ quan điều tra giải quyết (có quyền thực hiện các biện pháp để kiểm tra, xác minh và những nhiệm vụ, quyền hạn khác trong phạm vi của mình). Nhưng không có văn bản quy định cụ thể về vệc thực hiện các biện pháp kiểm tra, xác minh..là bao gồm những công việc nào (có bao gồm lấy dấu vân tay hay không) nên không đưa ra khẳng định việc làm của cơ quan công an là có trái quy định pháp luật được.

 

Tuy nhiên, việc từ thời điểm cơ quan lấy thông tin gia đình đến thời điểm hiện tại không có bất cứ thông báo nào về việc giải quyết vụ việc là cũng không phù hợp với quy định pháp luật. Theo đó, khi có căn cứ chứng minh cơ quan điều tra thực hiện không đúng trình tự giải quyết, không đúng thẩm quyền thì để đảm bảo quyền lợi của mình thì gia đình có thể làm đơn khiếu nại để giải quyết.

 

Trân trọng

CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn