Đinh Ngọc Huyền

Nguyên quán là gì? Căn cước công dân có ghi nguyên quán?

Nguyên quán và quê quán là hai từ đã quá quen thuộc với mỗi người. Hai khái niệm này xuất hiện nhiều nhất trong những giấy tờ tùy thân của mỗi cá nhân. Đây là thắc mắc mà không phải ai cũng phân biệt được, dẫn đến tình trạng nhiều người nhầm lẫn và điền sai thông tin cá nhân trong những trường hợp cần thiết. Vậy nguyên quán là gì? Hiện nay trên căn cước công dân của mỗi cá nhân có ghi nguyên quán không? Luật Minh Gia xin được tư vấn như sau:

1. Nguyên quán là gì?

Trước đây theo quy định cụ thể tại khoản 2 điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA năm 2014 có định nghĩa về Mục “nguyên quán” như sau:

- Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

- Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.

Như vậy, quy định về cách ghi mục nguyên quán trong các giấy tờ về cư trú cũng xác định nguyên quán theo Giấy khai sinh hoặc theo nguồn gốc của ông/bà nội hoặc ông/bà ngoại, hoặc theo nguồn gốc của cha hoặc mẹ.

Tuy nhiên, từ ngày 01/7/2021,Thông tư trên bị thay thế bởi Thông tư 56/2021/TT-BCA năm 2021, trong Thông tư mới này, thông tin về "nguyên quán" không còn nữa, mà thay bằng "quê quán".

2. Căn cước công dân có ghi nguyên quán?

Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 điều 1 Nghị định 170/2007/NĐ-CP năm 2007  sửa đổi Nghị định 05/1999/NĐ-CP năm 1999, trên mẫu chứng minh nhân dân (9 số) mới không còn ghi nguyên quán mà được thay bằng quê quán.

...

Mặt trước: Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm). Bên phải, từ trên xuống Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chữ “Chứng minh nhân dân” (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.

Sau đó, chứng minh nhân dân 12 số (từ ngày 1/7/2012) và thẻ Căn cước công dân (từ ngày 1/1/2016) đều dùng là quê quán. Cho tới nay nguyên quán và quê quán được dùng song song. Các loại biểu mẫu về cư trú vẫn sử dụng mục nguyên quán còn thẻ Căn cước công dân và giấy khai sinh thì dùng quê quán.

3. Nguyên quán và quê quán khác nhau thế nào?

Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh (quy định tại khoản 8 điều 4 Luật Hộ tịch)

Mục “Nguyên quán”: Ghi nguyên quán theo giấy khai sinh. Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ. Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.

Như vậy, theo quy định trên có thể tạm hiểu, quê quán thì ta xác định theo "nguồn gốc, xuất xứ" (thường căn cứ vào nơi sinh) của cha/mẹ. Còn nguyên quán thì xác định xa hơn một chút, theo "nguồn gốc/xuất xứ" (cũng thường căn cứ vào nơi sinh) của ông/ bà (thường là ông/bà nội).

Về trường hợp có sự khác biệt giữa chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của một cá nhân về một thông tin nào đó như họ, tên, dân tộc, quốc tịch, quê quán… thì pháp luật quy định như sau: Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch thì Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh được quy định như sau:

- Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

- Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

- Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Theo đó, với quy định này thì mục “quê quán” trong chứng minh nhân dân và trong sổ hộ khẩu phải phù hợp với Giấy khai sinh. Nếu giấy tờ nào không phù hợp thì phải điều chỉnh lại theo Giấy khai sinh.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo