Nguyễn Kim Quý

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam không?

Luật sư tư vấn về vấn đề người mang 2 quốc tịch Việt Nam và Mỹ có được phép mua nhà ở tại Việt Nam. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam theo hình thức nào?

Nội dung tư vấn: Cho mình hỏi nếu 1 người có 2 quốc tịch Mỹ và Việt Nam, có thể mua nhà ở Việt Nam được không? Nếu được thể loại nhà nào được phép mua? Nếu không được, có cách nào mua được nhà không? Trường hợp mua nhà cần làm những thủ tục pháp lý nào để sở hữu căn nhà ở VN hợp pháp? Bạn tui hiện đang sống và làm việc ở Mỹ, tính mua nhà ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội. Nếu văn phòng trả lời bằng văn bản chi phí là bao nhiêu?

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Bạn của bạn có 2 quốc tịch là Mỹ và Việt Nam, hiện đang sống và làm việc tại Mỹ. Khoản 3 Điều 3, Khoản 1 Điều 5 Luật Quốc tịch 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 quy định:

 

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

3. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

…”

“Điều 5. Quan hệ giữa Nhà nước và công dân

 

1. Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.

…”

 

Như vậy, vì bạn của bạn vẫn đang có quốc tịch Việt Nam nên bạn của bạn vẫn được coi là công dân Việt Nam và vì bạn của bạn đang sinh sống và làm việc tại Mỹ nên người bạn của bạn được xác định người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Điều 7 Luật Nhà ở 2014 quy định về đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

 

“Điều 7. Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam

 

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.

 

2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

 

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này.”

 

Theo quy định trên, dù người bạn của bạn có 2 quốc tịch Mỹ và Việt Nam thì bạn của bạn vẫn có quyền được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, tuy nhiên, bạn của bạn có được sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào việc bạn của bạn có thể đáp ứng được điều kiện theo quy định tại Điều 8 Luật Nhà ở 2014 như sau:

 

“Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở

 

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.

 

2. Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau đây:

 

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;

 

…”

 

Như vậy, bạn của bạn sẽ được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu bạn của bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và có được nhà ở hợp pháp thông qua việc mua, thuê mua nhà ở của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, mua, nhận tặng cho, nhận đổi, thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở.

 

Bạn của bạn và bên chuyển nhượng sẽ phải lập một hợp đồng để chuyển nhượng quyền sở hữu có công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại Điều 122 Luật Nhà ở 2014:

 

“Điều 122. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở

 

1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.

 

2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

 

Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.

…”

 

Sau khi có hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở thì bạn của bạn có thể thực hiện thủ tục sang tên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có căn nhà.

 

Trân trọng.

Phòng tư vấn pháp luật Đất đai - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo