LS Thanh Hương

Người trong gia đình trộm tài sản tố cáo được không?

Nhờ luật sư tư vấn giúp em. Cậu ruột của em nghiện ma túy. Nhiều lần về nhà lấy tài sản đem bán bao gồm 2 xe máy, 3 điện thoại di động. Gia đình đã trình báo với công an nhưng phía công an báo là do chỉ lấy đi tài sản của gia đình nên không giải quyết. Đến ngày 6 tháng 6 năm 2014 cậu tiếp túc chặn đường và lấy của em điện thoại trị giá tầm 2 triệu.

Cậu đề nghị đưa 100.000 đồng mới trả lại do lúc đó em không mang tiền mặt nên cậu đã đem điện thoại đi. Cho em hỏi em có thể đến công an trình báo để giải quyết hay không? Do em và cậu không cùng hộ khẩu như vậy có bị xem là người nhà hay không? Vì nếu lại tiếp tục xem như người nhà thì phía công an sẽ tiếp tục không giải quyết bắt giữ phạt tù mà chỉ bắt giữ theo diện đi cai nghiện. Em cảm ơn !

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Quyền tố cáo là quyền cơ bản của công dân và được ghi nhận trong nhiều văn bản có giá trị pháp lý cao như Hiến pháp, Luật khiếu nại, tố cáo, Bộ luật tố tụng Hình sự,… Theo đó:

 Mọi công dân đều có quyền tố cáo về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức (Khoản 2 Điều 1 Luật Khiếu nại, tố cáo). 

Quyền tố cáo của công dân cũng được ghi nhận tại Điều 30 – Hiến pháp 2013:

1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật.

Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng có quy định về vấn đề này:

Tố giác và tin báo về tội phạm

Công dân có thể tố giác tội phạm với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác.

Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản.

Do vậy, bạn và gia đình hoàn toàn có quyền tố cáo người cậu này và đối tượng mà hành vi phạm tội xâm phạm tới tài sản của những người trong gia đình không phải là căn cứ để cơ quan điều tra giải quyết vụ việc theo hướng “không giải quyết vì chỉ lấy tài sản trong gia đình”.

Hiện nay, cũng chưa có một căn cứ pháp lý nào quy định vấn đề xâm phạm tài sản giữa các thành viên trong gia đình thì không phải truy cứu trách nhiệm hình sự hay không được các cơ quan điều tra giải quyết. Theo đó, việc công an không giải quyết cho trường hợp bố mẹ bạn trình báo về việc người cậu dù không có sự đồng ý của chủ sở hữu tài sản mà thường xuyên lấy tài sản của gia đình bạn đem bán là không đúng.

Bạn hoàn toàn có thể trình báo sự việc này với cơ quan điều tra về những hành vi của cậu bạn. Từ những thông tin bạn cung cấp, cậu của bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 – Bộ luật Hình sự với hành vi chặn đường và ép bạn phải đưa chiếc điện thoại cho người này.

Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;          

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

Với hành vi thường xuyên lấy tài sản của gia đình bạn đem bán, vì bạn không nói rõ là người cậu tự ý, công khai vào nhà bạn, lợi dụng sơ hở của gia đình bạn mà lấy tài sản hay lén lút vào nhà để trộm tài sản,… nên chúng tôi không thể xác định cụ thể tội danh trong trường hợp này. Tùy theo hành vi phạm tội cụ thể mà cậu của bạn sẽ phạm phải một trong hai tội danh sau: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc Tội trộm cắp tài sản. Cụ thể:

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định cụ thể tại Điều 137 – Bộ luật Hình sựnhư sau:

Điều 137. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm....

Tại điều Điều 138 – Bộ luật Hình sự cũng có quy định chặt chẽ về tội trộm cắp tài sản:

Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm..........

Như vậy, bạn không cần lo ngại vấn đề vì là “người nhà” mà không thể tố cáo cậu bạn hay vì chiếm đoạt tài sản của những người trong gia đình mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169