Lò Thị Loan

Người sử dụng lao động không trả sổ BHXH khi chấm dứt HĐLĐ

Em làm ở công ty và đóng bảo hiểm xã hội được 4 tháng nhưng khi nghỉ việc công ty không chịu trả sổ. Công ty nói vì em làm việc mới có 4 tháng và đóng bảo hiểm được 4 tháng nên công ty không chịu trả sổ. Như vậy theo luật là đúng hay sai.nếu sai thì xin luật sư tư vấn giúp em phải khiếu nại làm sao mới rút được sổ. Em cảm ơn

1. Công ty không trả sổ BHXH khi chấm dứt HĐLĐ làm thế nào? 

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia chúng tôi, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Bộ luật lao động quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

''Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.''

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì việc công ty không trả sổ BHXH cho bạn là trái với quy định của pháp luật.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, trước hết bạn cần gửi đơn đề nghị công ty hoàn tất các thủ tục xác nhận và trả sổ BHXH đồng thời có thể thông qua ban chấp hành công đoàn của công ty để được hỗ trợ giải quyết.

Nếu công ty không giải quyết thì đây được xác định là tranh chấp lao động cá nhân. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động (trừ trường hợp bạn bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động).

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động như sau:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

- Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

- Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

- Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Ngoài ra, bạn có thể thông báo về hành vi vi pham của công ty đến phòng lao động thương binh và xã hội nơi công ty đóng trụ sở để được giải quyết vì theo quy định tại khoản 7 điều 1 nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điều 8 nghị định 95/2013/NĐ-CP thì hành vi này bị xử phạt như sau:

"Điều 8. Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động

1. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Sửa đổi quá một lần thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động hoặc khi sửa đổi thời hạn hợp đồng lao động bằng phụ lục hợp đồng lao động làm thay đi loại hợp đồng lao động đã giao kết; không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm chngười lao động theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tiền bồi thường khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưatrả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tiền bồi thường cho người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều này."

Bạn có thể xem xét tình hình thực tế và sử dụng các con đường trên để giải quyết được vấn đề của mình.

---

2. Làm sao lấy lại sổ BHXH khi bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ và không trả sổ bảo hiểm?

Câu hỏi:

Kính gửi luật sư, xin luật sư tư vấn cho tôi làm sao lấy lại sổ BHXH và các chế độ khi nghỉ việc, tôi làm việc tại cty từ 7/2006 đến 15/3/2015 thì cho tôi nghỉ việc không có quyết định thôi việc và chấm dứt HDLĐ, tôi đã yêu cầu trả lại sổ BHXH nhưng hôm qua 20/7/2015 cty yêu cầu tôi phải viết đơn xin thôi việc. xin luật sư tư vấn cho tôi làm sao lấy lại sổ BHXH và các chế độ. cảm ơn luật sư, mong sớm nhận được hồi âm.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn trường hợp của bạn như sau:

Trước hết, bạn cần xác định bạn làm việc tại công ty đó theo hợp đồng gì?

Theo thông tin bạn cung cấp thì người chủ động chấm dứt hợp đồng lao động là phía người sử dụng lao động. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng lao động này có hợp pháp hay không còn phụ thuộc vào lý do và thời hạn báo trước. Điều 38 Bộ luật lao động có quy định như sau:

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.”

Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin về loại hợp đồng mà bạn ký với công ty, đồng thời bạn cũng chưa cung cấp thông tin về việc công ty có đảm bảo thời hạn báo trước hay không, do vậy chúng tôi không thể kết luận chính xác được việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động từ phía công ty đó là đúng hay sai.

Tuy nhiên, khi bên người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, thì họ sẽ phải thực hiện các nghĩa vụ sau đối với bạn:

Nghĩa vụ này được quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động (tham khảo quy định tại phần tư vấn 1)

Theo đó, việc công ty không trả lại sổ bảo hiểm xã hội khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với bạn là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bạn có thể tiếp tục yêu cầu công ty trả lại sổ bảo hiểm cho mình, nếu như họ không trả thì bạn có thể thực hiện việc nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi công ty đó đặt trụ sở.

Bạn cần lưu ý, bạn không cần phải nộp đơn xin thôi việc cho phía công ty, nếu việc chấm dứt hợp đồng lao động này là quyết định đơn phương từ phía công ty.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169