LS Hoài My

Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng vô thời hạn

Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không thông báo trước có coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật? Người lao động được bồi thường những gì khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật? Luật Minh Gia giải đáp như sau:

1. Luật sư tư vấn về lao động

Người sử dụng lao động có thể đưa ra nhiều lý do khác nhau để muốn chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động? Vậy trách nhiệm của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là gì? Người lao động được bồi thường những khoản gì? Đây là thắc mắc của rất nhiều bạn đọc đã liên hệ tới Luật Minh Gia để tư vấn.

2. Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Nội dung đề nghị tư vấn: Kính gửi luật sư công ty luật Minh Gia, em hiện đang làm việc cho công ty A theo hợp đồng vô thời hạn. Tuy nhiên, ngày 29/10/2015, công ty gửi mail quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với lý do em không đủ năng lực để hoàn thành công việc. Và công ty buộc em phải bàn giao vào ngày 05/11/2015. Em có những câu hỏi như sau:

- Công ty có quyền cho em thôi việc với lý do trên không?

- Nếu bị buộc thôi việc thì em có được bồi thường gì không? Cụ thể như thế nào?

- Công ty buộc em phải bàn giao ngày 5/11/2015 thay vì 45 ngày kể từ ngày thông bao là đã sai luật đúng không?

- Bên cạnh đó, trước đây công ty buộc em thử việc 3 tháng và đến tháng thứ 4 mới đóng bảo hiểm, như vậy là đã phạn luật đúng không anh?

- Nếu sau khi đàm phán, công ty vẫn không thỏa hiệp thì em có thể kiện không? Thủ tục như thế nào?

Rất mong sớm nhận được giải đáp của anh. Em cám ơn.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho công ty luật Minh Gia. Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn bị phía công ty chấm dứt hợp đồng lao động với lý do không đủ năng lực để hoàn thành công việc, bạn có 5 yêu cầu cần giải đáp.

Với yêu cầu thứ nhất: Công ty có quyền cho bạn thôi việc với lý do không đủ năng lực để hoàn thành công việc: Theo quy định của pháp luật hiện hành quy định về việc chấm dứt hợp đồng lao động có quy định như sau:

Điều 38 Bộ luật lao động 2012 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động, đó là:

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.”

Căn cứ vào quy định trên, nếu như bạn, không có khả năng hoàn thành tốt công việc được giao theo hợp đồng lao động thì phía công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợ đồng với bạn.

Với yêu cầu thứ 2: khi bên phía công ty chấm dứt hợp đồng lao động với bạn thì bạn có được bồi thường không?

Vấn đề này, pháp luật hiện hành có quy định như sau:

Điều 47 bộ luật lao động năm 2012 có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:

“1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.”

Căn cứ vào những quy định trên, khi bạn bị phía công ty chấm dứt hợp đồng lao động, căn cứ vào khoản 2, khoản 3 điều 47 thì phía công ty có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của bạn trong hợp đồng; có trách nhiệm trả lại số bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, thông tin bạn cung cấp không có đề cập về việc bạn đã làm ở công ty đó trong bao lâu nên tôi không thể có đáp án chắc chắn cho bạn về việc bạn có được chi trả tiền trợ cấp thôi việc hay không. Nhưng bạn có thể căn cứ vào khoản 1 Điều 48 bộ luật lao động quy định về Trợ cấp thôi việc:

“1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.”

Căn cứ vào điều luật trên thì phía công ty sẽ phải chi trả cho bạn tiền trợ cấp thôi việc nếu như bạn đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên.

Với yêu cầu thứ 3: Căn cứ vào vào khoản 2 điều 38 BLLĐ quy định: “2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.”

Hợp đồng lao động mà bạn đã ký là vô hạn nên khi phía công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng với bạn thì phải thông báo cho bạn biết trước 45 ngày. Tuy nhiên, phía công ty thông báo cho bạn từ ngày 29/10/2015 và yêu cầu bạn bàn giao vào ngày 5/11/2015 thì chỉ mới có 7 ngày. Vì vậy, phía công ty đã làm trái với quy định của pháp luật như bạn đã nói, cụ thể là làm trái quy định tại điểm a khoản 2 điều 38 bộ luật lao động.

Với yêu cầu thứ 4: theo quy định tại điều 27 BLLĐ quy định về Thời gian thử việc như sau:

“Thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc và bảo đảm các điều kiện sau đây:

1. Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

2. Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

3. Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.”

Căn cứ quy định trên, thì thời gian thử việc tối đa là 60 ngày (2 tháng) nhưng công ty buộc bạn phải thử việc trong 3 tháng là trái với quy định của pháp luật.

Căn cứ vào 1 vào Điều 86 luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về Mức đóng và phương thức đóng của người sử dụng lao động như sau:

“Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:

a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;

b, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

2. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này như sau:

a, 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

b) 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất.”

Căn cứ vào quy định trên thì thời điểm công ty phải đóng bảo hiểm cho bạn là 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng lao động.

Với yêu cầu thứ 5: căn cứ vào Điều 201 bộ luật lao động về Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động:

“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”

Căn cứ vào điều 132 BLLĐ quy định về Khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất:

“Người bị xử lý kỷ luật lao động, bị tạm đình chỉ công việc hoặc phải bồi thường theo chế độ trách nhiệm vật chất nếu thấy không thoả đáng có quyền khiếu nại với người sử dụng lao động, với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự do pháp luật quy định.”

Căn cứ vào quy định trên, nếu bạn và phía công ty không thỏa thuận được với nhau về vấn đề bồi thường, trợ cấp thì bạn có quyền khởi kiện phía công ty lên Tòa án mà không cần phải thông qua hòa giải viên.

Trình tự, thủ tục khởi kiện lên Tòa án như sau:

- Đơn khởi kiện.

- Bản sao Giấy CMND (Hộ chiếu), các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động; Quyết định chấm dứt HĐ lao động;

- Quyết định, biên bản hòa giải của bạn với phía công ty;

- Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có);

- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện(ghi rõ bản chính, bản sao).
Và theo khoản 2 điều 202 BLLĐ thì Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169