Trần Diềm Quỳnh

Người nước ngoài muốn nhập cảnh vào Việt Nam thì thủ tục như thế nào?

Người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện nhất định. Vậy điều kiện để người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là gì? Thủ tục nhập cảnh như thế nào? Luật Minh Gia tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn về thủ tục nhập cảnh

Việt Nam là một trong những nước thu hút được đông đảo người nước ngoài vào đầu tư, làm việc, học tập và sinh sống. Chính vì vậy mà nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam của người nước ngoài ngày càng gia tăng. Vậy, người nước ngoài để được nhập cảnh vào Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện gì? Thủ tục thực hiện như nào? Nếu bạn đang vướng mắc về vấn đề này, bạn chưa biết hỏi ai thì hãy liên hệ tới Luật Minh Gia, luật sư sữ giải đáp các vướng mắc của bạn liên quan đến nhập cảnh.

Để được hỗ trợ, tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169, ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn dưới đây để có thêm kiến thức về pháp luật.

2. Thủ tục để người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.

Nội dung tư vấn như sau: Xin chào công ty Luật Gia Minh, tôi có chút thắc mắc về Luật Đất đai mong được giải đáp như sau:  Tôi có một người bạn hiện là người nước ngoài và cũng đang sinh sống cùng gia đình bên đó, họ chưa từng đến Việt Nam và cũng không có người thân ở Việt Nam. Vì lý do an ninh quốc phòng, cụ thể là do nơi họ sinh sống đang có nội chiến tranh, do quá lo lắng cho gia đình và người thân nên họ muốn sang Việt Nam định cư sinh sống. Tôi xin được hỏi rằng lý do như vậy có đủ điều kiện để họ xuất nhập cảnh vào Việt Nam để tạm trú hay thường trú không? Nếu lý do đó không được thì có cách nào để họ có thể định cư ở Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định không?  Điều nữa tôi muốn hỏi là nếu họ đã đủ điều kiện để nhập cảnh vào Việt Nam rồi, làm thế nào để họ có thể có nơi để ở. tạm trú hay trường trú lâu dài? Theo tôi được biết thì người nước ngoài không được mua hay có quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Cho nên tôi xin được hỏi để rõ thêm về thủ tục đối với trường hợp này.  Tôi xin trân thành cảm ơn!      Nam.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất: Về vấn đề bạn của bạn muốn nhập cảnh để tạm trú hoặc thường trú tại Việt Nam:

Nhập cảnh là việc người nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.

Theo quy định tại Điều 20, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 về điều kiện nhập cảnh:

Người nước ngoài được nhập cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế và thị thực.

Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì hộ chiếu phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng và phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày;

2. Không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh quy định tại Điều 21 của Luật này.

Theo đó, nếu bạn của bạn đáp ứng đủ điều kiện nhập cảnh theo quy định tại điều 20 và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh theo quy định tại điều 21 thì sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam.

Để được sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam, bạn của bạn cần đăng ký tạm trú hoặc thường trú tại Việt Nam như sau:

Đầu tiên sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, người bạn của bạn cần thực hiện thủ tục xin chứng nhận tạm trú tại Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh, theo đó Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh sẽ đóng dấu chứng nhận cho phép tạm trú vào hộ chiếu hoặc vào thị thực rời với thời hạn tạm trú bằng với thời hạn thị thực. Riêng trường hợp thị thực có ký hiệu ĐT, LĐ thì cấp tạm trú không quá 12 tháng và được xem xét cấp thẻ tạm trú. Chứng nhận tạm trú được quy định tại Điều 31 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.

Sau khi được cấp chứng nhận tạm trú, tuỳ thuộc vào nhu cầu của người bạn của bạn mà bạn đó có thể thực hiện thêm thủ tục cấp thẻ tạm trú. Tuy nhiên,  để được cấp thẻ tạm trú, bạn của bạn phải thuộc các trường hợp được nêu tại Điều 36 Luật Xuất nhập cảnh 2014. 

Về thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú bao gồm:

1. Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh;

2. Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh;

3. Hộ chiếu;

4. Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp quy định tại Điều 36 của Luật này.

Trường hợp thứ hai, đăng ký thường trú.

Theo quy định tại Điều 39, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014: về các trường hợp được xét cho thường trú

1. Người nước ngoài có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước.

2. Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang tạm trú tại Việt Nam.

3. Người nước ngoài được cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam bảo lãnh.

4. Người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.

Điều kiện xét cho thường trú

1. Người nước ngoài quy định tại Điều 39 của Luật này được xét cho thường trú nếu có chỗ ở hợp pháp và có thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

2. Người nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị.

3. Người nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật này đã tạm trú tại Việt Nam liên tục từ 03 năm trở lên.

Về thủ tục đề nghị cho thường trú, bạn sẽ làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, hồ sơ bao gồm:

1. Đơn xin thường trú;

2. Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp;

3. Công hàm của cơ quan đại diện của nước mà người đó là công dân đề nghị Việt Nam giải quyết cho người đó thường trú;

4. Bản sao hộ chiếu có chứng thực;

5. Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được xét cho thường trú;

6. Giấy bảo lãnh đối với người nước ngoài.

Thứ hai: Về vấn đề được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 159 và Khoản 3, Điều 160 của Luật Nhà ở 2014 thì cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật.

Như vậy, thời điểm nhập cảnh của cá nhân nước ngoài để được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng mua bán nhà ở; trường hợp cá nhân nước ngoài mua nhà ở tự nguyện làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì cũng phải nhập cảnh vào Việt Nam để làm các thủ tục này.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 76 Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở thì: "Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua nhà ở của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở, mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 7 của Nghị định này và chỉ được nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở của hộ gia đình, cá nhân hoặc nhận tặng cho nhà ở của tổ chức trong số lượng nhà ở theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép sở hữu; trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam nhưng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì giải quyết theo quy định tại Điều 78 của Nghị định này".

Đối chiếu với quy định nêu trên thì tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua nhà trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực bảo đảm an ninh quốc phòng của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại hoặc của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang sở hữu nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này trước khi hết hạn sở hữu nhà ở.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn