Tính lương cho người lao động thế nào khi làm việc vào ngày nghỉ lễ
Mục lục bài viết
1. Làm việc vào ngày nghỉ lễ thì tính lương thế nào?
Câu hỏi:
Chào văn phòng luật sư, Tôi có một thắc mắc về việc người lao động làm việc ngày nghỉ lễ thì được tính lương như thế nào? Nếu được nghỉ bù sang ngày khác thì như thế nào rất mong nhận được sự tư vấn từ quý vị Công ty tôi do sản xuất gấp không thể trì hoãn. Vào ngày Lễ giỗ tổ Hùng Vương ngày 10.03.2014 âm lịch, Công ty yêu cầu toàn thể cán bộ công nhân viên Công ty đi làm ngày đó bình thường và sẽ sắp xếp một ngày nghỉ khác.
Nhưng ngày lễ này Công ty vẩn tính lương bình thường và ngày nghỉ bù vẩn hưởng lương. Vậy xin hỏi quý vị Công ty làm như vậy có đúng không ? Còn theo điều nào của Luật lao động hay thông tư nghi định nào hưởng dẫn rõ về điều này.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tư vấn luật lao động, trường hợp bạn hỏi công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ tại khoản 1 Điều 115 Bộ Luật Lao động quy định người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Và tại Điều 97 Bộ luật lao động quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm:
“1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.”
Như vậy, việc làm của công ty là không đúng. Trong trường hợp của bạn đi làm vào ngày nghỉ lễ (ngày giỗ tổ Hùng Vương) thì công ty phải trả nguyên lương cho bạn trong ngày lễ đó cộng với ít nhất 300% theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc bạn đang làm.
-----
2. Thỏa thuận ngày nghỉ phép năm theo quy định thế nào?
Câu hỏi:
Chào luật sư Em đang làm tại công ty. Nhưng vừa rồi em có về quê do e đang mang thai 7 tháng và có bị động thai. Bs có kê thuốc và viết giấy cho em nghỉ 1 tuần để an thai. Khi nào khỏe lại đủ điều kiện sức khỏe thì đi làm. Hiện tại em còn 10 ngày phép ở công ty. Em nghỉ như vậy thì có trừ vào phép của em không ạ. Hay em được nghỉ theo chế độ ốm đau. Nhờ luật sư tư vấn giúp em nhé. Em cảm ơn ạ.
Trả lời:
Chào anh/chị! Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:
Trường hợp 1: Nếu bác sĩ viết giấy chứng nhận hưởng chế độ ốm đau cho chị nghỉ 1 tuần và trong năm chị chưa nghỉ hết số ngày ốm đau theo luật định. Cụ thể:
Điều 26 Luật BHXH 2014 quy định Thời gian hưởng chế độ ốm đau
"1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên."
Khi đó chị nộp giấy chứng nhận cho đơn vị để nộp hồ sơ sang cơ quan BHXH để tiến hành chi trả chế độ. Mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.
Trường hợp 2: Nếu chị đã hưởng hết tối đa số ngày ốm đau theo luật định trong năm dương lịch thì chị có thể thỏa thuận với công ty về vấn đề nghỉ phép năm.
Khoản 3 điều 111 Bộ luật lao động 2012 quy định: "3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần."
Như vậy, Vấn đề thỏa thuận nghỉ phép năm là do chị và công ty thỏa thuận. Nếu công ty đồng ý thì trừ số ngày nghỉ này vào số ngày phép năm mà chị chưa nghỉ.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất