LS Thanh Hương

Người đang mắc bệnh nặng, hiểm nghèo có bị tạm giam không?

Luật sư tư vấn trường hợp áp dụng biện pháp tạm giam với người đang bị bệnh nặng và chế độ chăm sóc y tế với người bị tạm giam, tạm giữ như sau:

Câu hỏi:

Cô/Chú giúp cháu tư vấn về vấn đề này ạ. Bố cháu có liên quan đến dự án di dân tái định cư và bị tạm giam ngày 17/11/2017 để điều tra, Nhưng thời điểm này bố cháu đang và chữa trị bệnh ung thư Trực Tràng, đã xong xạ trị và chuẩn bị mổ khối u thì bị tạm giam. Gia đình cháu đã làm đơn bảo lãnh cho bố cháu ra mà công an chưa giải quyết, hỏi thì cứ hẹn ngày này ngày khác sẽ có thông báo bằng công văn để trả lời mà cho tới nay đã 3 tuần mà chưa giải quyết. Nếu tạm giam càng lâu thì bệnh tình càng nặng. Giờ gia đình cháu phải làm những giấy tờ gì nữa để bố cháu được ra đi chữa bệnh ạ? Kính mong Cô/Chú giúp cháu ạ.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 có quy định về tạm giam tại Điều 119 như sau:

Điều 119. Tạm giam

1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.

2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:

a) Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;

b) Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;

c) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;

d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;

đ) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.

3. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.

4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:

a) Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;

b) Tiếp tục phạm tội;

c) Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;

d) Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Theo đó, nếu bố bạn đang bị bệnh nặng, có giấy tờ xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng bệnh tật thì có thể yêu cầu cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, bố bạn phải đảm bảo một số điều kiện như có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng, đồng thời không rơi vào các trường hợp: Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; Tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này và không thuộc trường hợp phạm các tội về xâm phạm an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 có quy định về chế độ chăm sóc y tế với người bị tạm giữ, tạm giam tại Điều 30 như sau:

Điều 30. Chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam

1. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được hưởng chế độ khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh. Trường hợp bị ốm đau, bệnh tật, thương tích thì được khám và điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giam giữ; nếu bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng của cơ sở giam giữ thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh, bệnh viện quân đội hoặc bệnh viện trung ương khám, điều trị. Cơ sở giam giữ phải thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị. Chế độ ăn, sử dụng thuốc, bồi dưỡng do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân và phải có đơn thuốc của thầy thuốc, chịu sự kiểm tra của cơ sở giam giữ

Theo đó, nếu trong trường hợp cơ quan điều tra vẫn quyết định áp dụng biện pháp tạm giam với bố bạn thì bố bạn vẫn được hưởng những chế độ chăm sóc y tế. Trong đó, nếu bố bạn bị bệnh nặng vượt quá khả năng chữa trị của cơ sở giam giữ thì sẽ được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.

Như vậy, nếu xét thấy trường hợp của bố bạn cần thiết phải thực hiện khám chữa bệnh với lý do bệnh nặng, việc tạm giam có thể sẽ ảnh hưởng điến việc điều trị, chăm sóc sức khỏe, thì bố bạn sẽ được xem xét để không bị tạm giam hoặc vẫn bị tạm giam nhưng được hưởng chế độ điều chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh để khám, điều trị.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169