Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Người đã về hưu có được tham gia quản lý doanh nghiệp không?

Cán bộ nói chung là những người được trao quyền lực để đảm nhiệm công việc quản lý Nhà nước trong một hoặc một số lĩnh vực nhất định. Vì tính đặc thù của công việc mà pháp luật có một số quy định hạn chế đối với cán bộ trong việc thành lập và quản lý doanh nghiệp.

Câu hỏi tư vấn: Công ty tôi là doanh nghiệp nhà nước và có một người hiện đang làm Trưởng phòng trước đó đã là cán bộ công an về hưu và hiện đang hưởng lương hưu. Công ty tôi đã tiến hành làm Hợp đồng không xác định thời gian. Nhưng nay muốn cho ông ấy thôi giữ chức vụ Trưởng phòng. Vậy xin quý luật sư cho tôi hỏi người đã về hưu và hưởng lương hưu hàng tháng có được tiếp tục giữ chức cán bộ quản lý hay không? Nếu tôi muốn cho người đó thôi giữ chức Trưởng phòng có được hay không? 

Nội dung tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Tại Điểm đ Khoản 1 Điều 7 Nghị định 159/2020/NĐ-CP quy định về việc kiêm nhiệm các chức danh, chức vụ khác của người quản lý doanh nghiệp nhà nước được quy định như sau: “đ) Người quản lý doanh nghiệp nhà nước không là cán bộ, công chức, viên chức.”

Trong khi đó, theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 VBHN Luật Cán bộ, công chức 2019 thì: “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Đối chiếu vào trường hợp của bạn, cán bộ về hưu là người không còn thuộc biên chế nhà nước, không giữ chức vụ trong các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước (theo quy định nêu trên) nên không phải là cán bộ. Do đó, việc cán bộ về hưu giữ chức vụ Trưởng phòng ở doanh nghiệp nhà nước là không vi phạm quy định pháp luật. 

Theo thông tin bạn cung cấp, hiện nay, phía công ty muốn cho người này thôi giữ chức vụ trưởng phòng. Tuy nhiên, bạn chưa nêu cụ thể yêu cầu của công ty nên chúng tôi tư vấn theo hai hướng như sau: 

Trường hợp 1: Cho người lao động thôi giữ chức vụ Trưởng phòng và cho thôi việc

Trong trường hợp này, công ty có thể lựa chọn một trong 03 phương án là: 

- Thỏa thuận với người lao động về việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) (1)

- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (2)

- Cơ cấu lại lao động theo quy định (3)

Phương án (1) được coi là phương án tối ưu nhất nhưng cần dựa trên sự thống nhất từ phía người lao động và phía công ty để chấm dứt HĐLĐ. 

Trong trường hợp người lao động không đồng ý, công ty có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 thì công ty chỉ được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ khi thuộc một trong những trường hợp sau: 

“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;

c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;

d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;

đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;

e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;

g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.” 

Ngoài ra, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ, công ty cần phải báo trước cho người Trưởng phòng một thời gian được quy định tại Điều luật này. 

Nếu công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật thì phải bồi thường và thanh toán những khoản chi phí theo quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động 2019. 

Đối với phương án (3), phía công ty có thể cho người Trưởng phòng này thôi việc theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, khi lựa chọn phương án này, để cho người Trưởng phòng thôi việc, công ty cần lập phương án lao động, tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động và phải thông báo đến UBND cấp tỉnh cũng như người Trưởng phòng. 

Trên thực tế, phương án này chỉ được người sử dụng lao động áp dụng khi cắt giảm một số lượng lớn người lao động bởi thủ tục thực hiện tương đối phức tạp. 

Trường hợp 2: Cho người lao động thôi giữ chức vụ trưởng phòng để làm công việc khác. 

Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, để cho người lao động này thôi giữ chức vụ Trưởng phòng để làm công việc khác (so với hợp đồng lao động) thì bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đó. 

Ngoài ra, khi chuyển người lao động này sang làm công việc khác thì công ty phải đảm bảo tiền lương của công việc mới không được thấp hơn 85% mức tiền lương của công việc cũ (trưởng phòng). 

Trong trường hợp tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì trong tháng đầu tiên làm công việc mới, người lao động sẽ được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ. 

Ngoài ra, công ty có thể thỏa thuận với người lao động về việc sửa đổi nội dung công việc trong HĐLĐ. Trường hợp này thì tiền lương sẽ dựa trên sự thỏa thuận của các bên và theo quy chế công ty.  

Trân trọng!

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169