Người có đất bị thu hồi có quyền thỏa thuận về giá bồi thường khi NN thực hiện thu hồi đất?
Khu vực tôi có triển khai dự án khu dân cư số 1, tiện tích đất thu hồi được chia làm 2 đợt, đợt 1 đã lấy trên 6Ha. Đất này hầu hết là của người dân tộc thiểu số, mức giá đền bù cho 1m2 đất là 56.000đ, tất cả người dân sinh sống = nghề nông và số đất trong dự án là toàn bộ đất trồng lúa của họ.
1. Cấp huyện thu hồi đất của dân giao cho doanh nghiệp đầu tư (Xây dựng Dự án khu dân cư) thì người dân có được quyền thỏa thuận giá không? Mức giá như trên quá thấp so với giá trị đất.
2. Là người dân "Dân tộc thiểu số" và thuộc vùng 135 (Đặc biệt khó khăn) có được hỗ trợ hoặc ưu đãi gì không?
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Điều 62. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:
...
2. Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm:
d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;
Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hơp của bạn thì huyện đã có kế hoạch sử dụng đất để xây dựng dự án khu dân cư số 1 rồi nên thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Sau khi thu hồi đất nhà nước mới thực hiện việc giao cho đơn vị nhà đầu tư để thực hiện dự án xây dựng khu dân cư số 1.
- Liên quan tới việc tổ chức làm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
Điều 68. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; quản lý đất đã thu hồi
1. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng bao gồm tổ chức dịch vụ công về đất đai, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
2. Đất đã thu hồi được giao để quản lý, sử dụng theo quy định sau đây:
a) Đất đã thu hồi theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật này thì giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư hoặc giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý;
Điều 69. Trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng
2. Lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được quy định như sau:
a) Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân trong khu vực có đất thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.
Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi.
Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan có thẩm quyền;
b) Cơ quan có thẩm quyền thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
Như vậy, trong quá trình làm tổ chức để lập phương án bồi thường thì vẫn phải thông qua lấy ý kiến của hộ dân có đất bị thu hồi. Theo đó, bạn và những hộ dân khác có đất bị thu hồi vẫn có quyền đưa ý kiến của mình với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường này về vấn đề áp dụng giá đất bồi thường và đưa ra mức giá mà mình cho là phù hợp.
Trên cơ sở đó tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường sẽ tổng hợp ý kiến trên và gửi cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định phương án bồi thường (giá bồi thường sẽ do Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định) trước khi trình Uỷ ban để ra quyết định thu hồi đất. Không thể thỏa thuận với chủ dự án đầu tư (được nhà nước giao để thực hiện dự án) được vì chủ đầu tư chỉ là một ủy viên trong hội đồng đó (tổ chức làm nhiệm vụ lập phương án bồi thường) nên không có quyền tự định đoạt giá đất bồi thường, nên việc thỏa thuận giá bồi thường sẽ không được giải quyết.
Đồng thời, Luật đất đai quy định về các chính sách bồi thường, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp được áp dụng chung đối với những trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp, sản xuất kinh doanh..mà không có phân biệt về chính sách hỗ trợ, ưu đãi riêng đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất ở vùng kinh tế khó khăn, dân tộc thiểu số hay khu vực thành thị. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể xác định xem tại địa bàn tỉnh có quy định riêng về chính sách hỗ trợ hay không, nếu có quy định thì gia đình bạn và những hộ dân khác có đất bị thu hồi vẫn sẽ được hưởng theo quyết định đó của Tỉnh ban hành.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời
Trân trọng
CV P.Gái - Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất