Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Người chưa thành niên phạm tội hiếp dâm xử lý thế nào?

Luật sư cho tôi hỏi hiếp dâm tập thể thì sẽ bị xử lý hình sự như thế nào? Người phạm tội là người chưa thành niên thì khi xử phạt có được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc được hưởng án treo không? Việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại như thế nào?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Điều 1414 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội hiếp dâm như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

c) Nhiều người hiếp một người;

Theo đó, hiếp dâm tập thể được xác định là trường hợp nhiều người hiếp một người, cho nên, khi xác định tội danh thì đây là tội hiếp dâm với tình tiết tăng nặng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 141 BLHS 2015 “nhiều người hiếp một người” với khung hình phạt được áp dụng là “phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.”

- Người phạm tội là người chưa thành niên thì khi xử phạt có được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ hoặc được hưởng án treo không?

Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định như sau:

''1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này''

Với khung hình phạt đến 15 năm tù, tội phạm này được xác định là tội phạm nghiêm trọng trong quy định tại Điều 141, do đó người phạm tội chỉ cần từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi của mình.

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự có ghi nhận các hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội tại Điều 98 như sau:

''Người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:

1. Cảnh cáo;

2. Phạt tiền;

3. Cải tạo không giam giữ;

4. Tù có thời hạn.''

Với những hình phạt trên, mức cao nhất người chưa thành niên phạm tội phải chịu là án hình phạt tù có thời hạn, tuy nhiên cần xem xét nhiều tình tiết của vụ việc công thêm yếu tố về độ tuổi và nhận thức của người phạm tội mà áp dụng hình phạt phù hợp.

- Việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại:

Vấn đề bồi thường thiệt hại cho người bị hại trong trường hợp này được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm và bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm cho người bị hại, cụ thể như sau:

- Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm: Theo quy định tại Điều 590 thì thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị;

Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

- Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: Theo quy định tại Điều 592 thì thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm, thiệt hại do danh dự, uy tín của pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169