LS Vy Huyền

Người chưa thành niên có hành vi dâm ô với trẻ e thì bị xử lý thế nào?

Tôi xin trình bày như sau: Chiều ngày 23/01/2017 con gái tôi sinh ngày 30/4/2010 đã bị đối tượng M rủ lên nơi vắng người để xem tổ chim với mục đích hiếp dâm cháu T. Sau khi đưa cháu vào nơi vắng vẻ M đã đè cháu ra và sờ vào người, cởi quần sờ vào bộ phận sinh dục của cháu với ý định hiếp dâm.

 

Cháu  đã không đồng ý và khóc nhưng đối tượng M đã dùng tay bịt miệng không cho cháu khóc. Khi đối tượng M đang thực hiện hành vi hiếp dâm của mình thì có anh công nhân nhà máy nước nhìn thấy và quát lên thì đối tượng M mới dừng lại và bỏ chạy trốn về nhà bác ở . Sự việc đã được báo cho công an xã và công an huyện. Công an huyện và Viện kiểm sát nhân dân đã tiến hành điều tra, khám nghiệm hiện trường. Ngày 06/3/2017 tôi nhận được thông báo số 08, ngày 20/02/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện "Thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố". Sau khi nhận thông báo về kết quả giải quyết tôi nhận thấy có những điểm chưa đúng với hành vi phạm tội của đối tượng M. Không có biện pháp giải quyết nhằm giáo dục, răn đe đối tượng này và trách nhiệm của gia đình.   Theo kết luận của cơ quan điều tra "Hành vi của M có dấu hiệu dâm ô với trẻ em nhưng khi xảy ra sự việc,  M chưa đủ 16 tuổi". Kết luận này chưa thuyết phục vì: - Hành vi của  M không phải có dấu hiệu dâm ô với trẻ em mà là đang thực hiện hành vi Hiếp dâm cháu . Vì có người lớn phát hiện (ngoài ý muốn của M) nên M đã không thực hiện được hành vi theo ý muốn của mình. Đúng hơn thì đây là hành vi hiếp dâm không thành của đối tượng. Đối với hành vi này thì áp dụng theo Khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 chứ không phải áp dụng theo Điều 116 Bộ luật hình sự năm 1999, đây không phải hành vi dâm ô với trẻ em. Tôi khẳng định đây là hành vi hiếp dâm vì: Tại Khoản 1 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999 ghi rất rõ " Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm". Chứng minh cho điều này đối tượng đã dùng thủ đoạn lừa cháu  đến chỗ vắng người để thực hiện hành vi giao cấu; đã có chủ đích ngay từ đầu như khi chơi ở sân trường mầm non đối tượng  đã sờ đùi, đòi xem bộ phận sinh dục cháu; khi dẫn cháu đi M sợ người lớn nhìn thấy đã không dẫn cháu  đi qua cổng chính mà đi lối tắt qua nhà tập thể giáo viên; khi đến trước nhà C cháu  đã không muốn đi nữa nhưng M vẫn ôm sau lưng và đẩy cháu đi. Khi gặp người đi ngược chiều M đã xui cháu trốn để tránh người lớn nhìn thấy. Khi đến nơi vắng M đòi xem và sờ bộ phận sinh dục cháu thì cháu nói "không được làm như vậy sẽ học dốt". Tuy nhiên tên M đã dùng vũ lực đè cháu  ra khi cháu khóc thì lấy tay bịt miệng và cởi quần sờ vào bộ phận sinh dục cháu. Trong khi đang thực hiện ý định hiếp dâm của mình đối tượng M đã xui cháu  trốn khi thấy bà L đi qua. Nếu không có anh công nhân nhà máy nước nhìn thấy thì tên M đã thực hiện được hành vi Hiếp dâm của mình. Qua nội dung trên đã chứng minh được rằng đối tượng M đã có chủ đích, dùng thủ đoạn và vũ lực để thực hiện hành vi Hiếp dâm của mình được quy định tại Khoản 1 Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1999. Tại Khoản 1 Điều 116 "Người nào đã thành niên có hành vi dâm ô với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm". Tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật dân sự năm 2015 "Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên".  Vì thế đối tượng Minh chưa đủ 16 tuổi nên không áp dụng theo Điều 116 Bộ luật hình sự năm 1999.   Hành vi Dâm ô là dùng mọi thủ đoạn có tính chất loạn dâm dục nhằm mục đích thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Được hiểu là lợi dụng việc bế trẻ để ôm ấp, sờ mó vào chỗ kín của trẻ... chứ không có ý định giao cấu. Đối với đối tượng M là đã đưa cháu  đến chỗ vắng người để thực hiện hành vi Hiếp dâm như có chủ đích, dùng thủ đoạn và vũ lực để thực hiện hành vi Hiếp dâm. Vì thế không áp dụng theo Điều 116 Bộ luật hình sự năm 1999 được. Căn cứ vào hành vi và quy định của pháp luật tôi đề nghị cơ quan điều tra, xem xét xử lý theo Khoản 1 Điều 92 Luật xử lý vi phạm hành chính. Vì đối tượng M đã vi phạm vào Khoản 4 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999. Tôi đồng tình với kết luận "Không khởi tố vụ án hình sự" là đúng. Tuy nhiên không có biện pháp xử lý thì tôi không đồng tình vì theo tôi được biết đối tượng M đã từng trộm cắp xe đạp của bạn đi bán, bỏ học, ngoài tầm kiểm soát của gia đình, môi trường sống phức tạp và giao du với nhiều thành phần trong xã hội. Nếu không có biện pháp xử lý giáo dục, răn đe thì đây là một đối tượng sẽ còn gây nguy hiểm cho xã hội.Tôi là người trên miền núi, vùng khó khăn, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Rất mong Luật Minh Gia trợ giúp pháp lý cho tôi và hướng dẫn tôi làm thủ tục tiếp theo.  Tôi xin chân thành cảm ơn. 

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với yêu cầu của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Theo như bạn trình bày thì con gái bạn bị đối tượng M  rủ lên nơi vắng người để xem tổ chim với mục đích hiếp dâm cháu . Sau khi đưa cháu  vào nơi vắng vẻ M đã đè cháu ra và sờ vào người, cởi quần sờ vào bộ phận  sinh dục của cháu .

 

Đối với trường hợp của con gái bạn chưa thể kết luận được hành vi của M đối với cháu T là hành vi hiếp dâm, vì theo quy định của bộ luật hình sự 1999 thì hành vi hiếp dâm phải là hành vi dùng vũ lực ( dùng sức mạnh vật chất đè bẹp sự kháng cự của nạn nhân chống lại sự giao cấu như: Đè ngã, vật lộn, giữ chân tay, ép vào góc tường….), đe dọa dùng vũ lực ( làm cho ý chí của nạn nhân bị tê liệt buộc họ phải giao cấu mà không giám kháng cự như dọa giết, hay dọa gây thương tích, đe dọa đến tính mạng hay các hành vi khác)  hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân ( lợi dụng việc nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự, tự vệ như: Bị ốm đau, uống thuốc ngủ hay say rượu…) để thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân. Vì đối tượng M chỉ có hành vi sờ vào người, cởi quần và sờ vào bộ phận sinh dục của cháu chứ không có ý định thực hiện hành vi giao cấu với cháu, cho nên trong trường hợp này hành vi của M có thể bị truy cứu về tội dâm ô với trẻ em theo quy định tại điều 116 bộ luật hình sự.

 

Theo đó, điều 116  Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội dâm ô với trẻ em như sau:

 

Điều 116. Tội dâm ô đối với trẻ em

1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều trẻ em;

c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

 

  Theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, dâm ô được hiểu là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất loạn dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Các hành vi ở đây có thể được hiểu là kích thích cơ thể bằng các hành vi, quan hệ tình dục bằng tay hay các hành động mơn trớn khác với người dưới 16 tuổi.

 

Như vậy, trong trường hợp của cháu T nếu đối tượng M chỉ có hành vi cởi quần áo, sờ bộ phận sinh dục của cháu mà không thực hiện hành vi giao cấu, đồng thời tại thời điểm thực hiện hành vi M mới 16 tuổi nên không thể truy cứu M về tội hiếp dâm trẻ em.

 

Theo đó, theo quy định tại điều 20 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

 

Điều 20. Người thành niên

1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.

 

Như vậy, trong trường hợp này cơ quan điều tra đưa ra kết luận không  truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô đối với M là đúng với quy định của pháp luật.

 

Tuy nhiên, mặc dù không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng M vẫn bị áp dụng một số biện pháp xử lý sau: M và gia đình phải bồi thườg  tổn thất  về tinh thần cho con gái anh theo quy định về bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015; Bị áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình, cần kết hợp với nhà trường trong việc giáo dục, sửa chữa sai lầm để cháu bạn phát triển lành mạnh.

 

Vậy, nếu trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không đưa ra biện pháp xử lý  thì bạn có quyền khiếu nại lên cơ quan công an yêu cầu họ đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp đối với M.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề bạn quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến Tổng đài luật sư tư vấn luật trực tuyến - 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời

 

Trân trọng

CV Thúy Vân - Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo