LS Thanh Hương

Người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố còn bị xử lý không?

Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là một chế định được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2021. Xuất phát từ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại, pháp luật quy định cho phép người bị hại lựa chọn quyền yêu cầu khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Vậy một thực tế đặt ra, nếu người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố thì tội phạm còn bị xử lý không? Đây là vấn đề còn khiến nhiều người mơ hồ, chưa nắm rõ. Trong bài viết dưới đây, Luật Minh Gia sẽ cung cấp những kiến thức liên quan để bạn đọc tham khảo.

1. Luật sư tư vấn về người bị hại 

Theo Khoản 1 Điều 62 Luật tố tụng hình sự 2015 quy định về bị hại như sau:

Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Theo đó, người bị hại có thể được hiểu là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Vậy người bị hại có quyền gì?

Tại Khoản 2 Điều 62 Luật tố tụng hình sự quy định bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:

b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá

..."

Như vậy, người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại có quyền yêu cầu khởi tố đối với người gây ra hành vi phạm tội. Nếu bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cha, mẹ, người giám hộ của họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của bị hại. Trong trường hợp bị hại chết thì cha, mẹ, vợ, chồng, con của bị hại tham gia tố tụng với tư cách là đại diện hợp pháp của bị hại và có những quyền của bị hại. 

Bên cạnh quyền yêu cầu khởi tố thì bị hại cũng có quyền rút đơn yêu cầu khởi tố. Người bị hại được quyền rút yêu cầu bất cứ lúc nào trong suốt quá trình tố tụng, từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử, từ cấp xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm. Trong những trường hợp vụ án đã được khởi tố theo yêu cầu của bị hại nhưng người đã yêu cầu khởi tố tự nguyện rút yêu cầu thì vụ án được đình chỉ. Nếu vụ án đang trong giai đoạn điều tra thì cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra; nếu vụ án đã kết thúc điều tra và hồ sơ được chuyển sang viện kiểm sát thì viện kiểm sát đình chỉ vụ án; nếu hồ sơ vụ án đã chuyển sang tòa án thì toà án đình chỉ vụ án

Trong trường hợp có căn cứ để xác định người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì vụ an vẫn được tiếp tục tiến hành tố tụng. Đối với những trường hợp bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

2. Người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố còn bị xử lý không?

Câu hỏi tư vấn:

Tôi cần tư vấn một chút về vụ việc này ạ, em trai tôi là người dân tộc thiểu số ở vùng hẻo lánh, biên giới. Trong một đợt tập dân quân tự vệ, mỗi tuần em về nhà một lần. Em đi tập theo kiểu tập trung ở một xã gần đồn biên phòng. cuối tuần mấy anh em tổ chức ăn uống, tới khuya tầm 11 giờ hơn, bàn nhậu vẫn chưa xong, em trai sang phòng trọ nhà bên cạnh gặp bạn gái ( trong phòng chỉ có 2 em học sinh lớp 9, 1 là người yêu đã quen biết trước) đi học trọ xa nhà.

Khi vào trong phòng em trai chỉ nói chuyện với người yêu, còn bạn kia thì ra ngoài. sau khi nói chuyện xong em trai ra ngoài và nói chuyện với bạn kia là C, ôm hôn bạn C, trong khi nói chuyện việc đồng ý hay không đồng ý về đáp ứng nhu cầu tình dục, em trai đã có hành vi hiếp dâm bạn C trong lúc còn say rượu. C thấy em trai không tỉnh táo nên sợ, kêu cứu.

Ngay sau khi C kêu cứu, bàn nhậu bên phòng trọ cạnh và các anh em trong đó có 2 đội trưởng xã, công an xã và bộ đội biên phòng phụ trách tập dân quân điều có mặt ở đó, ngay tức khác đã bắt còng em, gọi lên cảnh sát hình sự Huyện để đến trở em đi.

Sự việc chưa được thông báo đến hai gia đình thì cảnh sát hình sự huyện đã trở em đi. Sau khi hai gia đình, bên bị hại và bên xâm hại đến bàn bạc giải quyết ở cấp xã trước sự chứng kiến của 2 chính quyền cấp xã. Vụ việc đã giải quyết xong, bên bị hại làm đơn rút kiện, bên xâm hại đã đền bù, nhưng sau khi đến công an huyện để bảo lãnh em trai về, công an Huyện vẫn chưa trả lời câu nào suốt hơn 2 tháng, sau khi đã nộp đủ các giấy tờ pháp lý liên quan. Vậy bây giờ em trai tôi có phải ngồi tù hay bị phạt hành chính không?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho vấn đề của bạn như sau:

Trong trường hợp bạn gửi đến tư vấn, em trai bạn đã phạm tội hiếp dâm trẻ em theo quy định tại Điều 142 – Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 (do nạn nhân là học sinh lớp 9 – tức 15 tuổi).

"Điều 142. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;

b) Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.

..."

Theo như thông tin bạn cung cấp, bên bị hại đã rút đơn và bên xâm hại cũng đã bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 155 – Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 như sau:

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.

3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức."

Theo quy định này, việc khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bên bị hại bao gồm các trường hợp, đó là: Tội cố ý gây thương tích  hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; Tội hiếp  dâm; Tội cưỡng dâm; Tội làm nhục người khác; Tội vu khống.

Do vậy, ngoài những trường hợp trên thì dù người khởi tố rút đơn khởi tố, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sẽ khởi tố vụ án. Trường hợp của em trai bạn rơi vào Điều 142 - Tội Hiếp dâm trẻ em, không nằm trong những trường hợp khởi kiện theo yêu cầu của người bị hại. Vì thế, việc bên bị hại rút đơn trong vụ án trên không dẫn đến hậu quả vụ án bị đình chỉ nên cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sẽ khởi tố vụ án và em trai bạn vẫn sẽ bị tạm giam để điều tra phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án.

Việc công an Huyện không trả tự do cho em trai bạn là có căn cứ trong trường hợp tạm giam để điều tra. Tuy nhiên, cơ quan công an nên có câu trả lời rõ ràng cho bạn và gia đình thay vì không có câu trả lời trong suốt hai tháng như thông tin mà bạn cung cấp.

Để đảm bảo quyền lợi cho em trai bạn, chúng tôi xin cung cấp thêm thông tin về thời hạn tạm giam để điều tra tại Điều 173 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2021 như sau:

"Điều 173. Thời hạn tạm giam để điều tra

1. Thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

2. Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:

a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng;

b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng;

c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng;

d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng."

Như vậy, tùy thuộc vào mức độ, tính chất của hành vi phạm tội mà thời gian tạm giam có thể kéo dài đến 4 tháng, ngoài ra còn có thể được gia hạn để củng cố điều tra. 

Còn về vấn đề em trai bạn có phải ngồi tù hay không thì còn tùy thuộc vào việc xét xử của Tòa án dựa trên mức độ nghiêm trọng, tình tiết và hậu quả của vụ án.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn