Người bị hại rút đơn tố cáo thì có bị khởi tố?
1.Luật sư tư vấn về hình sự.
Hình sự không phải là một lĩnh vực rộng những là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến sự tự do, danh dự, nhân phẩm và các quyền hợp pháp các của con người. Theo đó, các quy định pháp luật về hình sự cũng phải hết sức chặt chẽ song cũng phải đảm bảo tính nhân văn của pháp luật. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiểu và nắm rõ kiến thức pháp luật về hình sự và đôi khi những người có cơ hội tiếp xúc với pháp luật cũng có lúc lúng túng trong việc xử lý.
Nếu bạn đang gặp khó khăn về pháp lý và đang băn khoản không biết giải quyết như thế nào, đừng ngần ngại hãy gửi câu hỏi tư vấn ngay đến Luật Minh Gia để được hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đó, chúng tôi xin gửi đến bạn tình huống cụ thể dưới đây để bạn có thể tham khảo và đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất.
2. Người bị hại rút đơn tố cáo thì có bị khởi tố?
Câu hỏi tư vấn: Xin chào luật sư. Luật sư cho em xin hỏi những vấn đề sau ạ. Em mình sinh năm 1993 bị tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì em mình rủ bạn đi uống bia rồi mượn điện thoại của bạn trị giá 8 triệu 300 nhưng không trả. 15 ngày sau em mình mang đi bán. Bị hại làm đơn lên cơ quan công an. Gia đình bồi thường cho bị hại 8,5 triệu nên bị hại rút đơn tố cáo và viết giấy bãi nại. Tuy nhiên, công an vẫn giữ. Cho tôi hỏi là nếu giữ tiếp thì giữ em tôi bao nhiêu ngày nữa và có bị khởi tố không? Hình phạt như nào? Cảm ơn Luật sư.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Vấn đề có bị khởi tố hay không?
Theo thông tin mà bạn cung cấp, trường hợp em của bạn bị tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đủ căn cứ để khởi tố về hành vi này theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì dù bị hại viết đơn đề nghị không khởi tố, đơn bãi nại hoặc các văn bản khác có nội dung tương đương thì chỉ được coi là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không được coi là căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về trường hợp khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại như sau:
“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
...”
Đối chiếu với quy định trên có thể thấy, điều 174 không nằm trong một trong những điều khoản được liệt kê tại khoản 1 của điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ cung 2017 nên Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại.
Vấn đề hình phạt: Với dữ liệu mà bạn cung cấp, số tiền mà em của bạn chiếm đoạt là 8,3 triệu đồng thì có thể bị khởi tố theo quy định tại Khoản 1, Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 như sau:
“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ....”
Như vậy, khung hình phạt mà em của bạn có thể phải chấp hành là cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Về thời hạn tạm giữ:
Theo quy định tại Điều 118 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về thời hạn tạm giữ:
“Điều 118. Thời hạn tạm giữ
1. Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú.
2. Trường hợp cần thiết, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ nhưng không quá 03 ngày. Trường hợp đặc biệt, người ra quyết định tạm giữ có thể gia hạn tạm giữ lần thứ hai nhưng không quá 03 ngày.
Mọi trường hợp gia hạn tạm giữ đều phải được Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn.
3. Trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ; trường hợp đã gia hạn tạm giữ thì Viện kiểm sát phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.
4. Thời gian tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam. Một ngày tạm giữ được tính bằng một ngày tạm giam.”
Dựa trên Điều 118 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, thời hạn tạm giữ là 03 ngày, trường hợp cần thiết cơ quan có thẩm quyền gia hạn là 03 ngày và trường hợp đặc biệt có thể gia hạn thêm 03 ngày nữa. Do đó, số ngày tối đa mà cơ quan có thẩm quyền giữ em của bạn tối đa là 09 ngày.
Trân trọng!
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất