Trần Phương Hà

Người bị hại đang định cư nước ngoài thì có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam xử lý hành vi vi phạm không ?

Hỏi về trường hợp bị người khác cố ý gây thương tích tại Việt Nam, tuy nhiên hiện nay người bị hại trở lại nước ngoài thì có yêu cầu xử lý người có hành vi vi phạm hay không. Nội dung như sau

Nội dung câu hỏi:Kính chào các cô các bác và các anh chị, em có một vụ việc như sau:Gia đình em hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Tháng 4.18 vừa qua mẹ em được nghỉ phép và đã về VN chơi thăm gia đình, người thân. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường cho đến khi gần đến ngày đi được 1 tuần mẹ em ra thăm mộ bà ngoại và cùng 1 số người ở đó muốn sửa sang làm cỏ cho mộ của bà. Khi làm gần xong thì ông ngoại ra và nhìn thấy như thế, ông đã tức lên và chửi bới ở đó rồi quay xe ra về gọi người ra đánh. Mấy người làm ở đó đã ra về còn mỗi mẹ em ở đó. Một lúc sau ông em phi xe ra và chở thêm 1 người đó là con trai út của ông, trên tay cầm cả 1 ống sắt (Tức cậu của em và là em ruột của mẹ em) rồi ông chửi là „Đánh chết đứa nào động vào mộ vợ tao.“ „Đánh chết con D chôn cạnh mộ mẹ nó…“ (D tên của mẹ em) ông vừa dứt lời thì cậu em lao vào đấm mẹ mấy cái thâm cả mặt mà lúc ấy có người ngăn cũng không được. Mẹ em đã về nhà và đăng đơn kiện lên xã vài hôm sau đó. Lúc đầu ông ta nói sẽ giải quyết nhưng hôm sau thì lại lấy lý do là (tội phạm) đã đi làm ăn xa không có ở nhà lên không giải quyết. Do gần đến ngày bay lên mẹ em không thể làm được gì và cũng không hề nói gì với con cái. Khi sang bên này em mới nhìn thấy và hỏi thì mẹ mới kể đầu đuôi câu chuyện là như vậy. Đến bây giờ là ngày 23.05 mà vết thâm vẫn chưa tan và còn đau. Em rất uất ức và thương mẹ lên muốn viết ra câu chuyện này để hỏi, có luật pháp nào lại để chuyện này sảy ra không? Theo luật pháp em được biết là: về hành vi đánh ngườiNgười nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;e) Có tổ chức;g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.  Nếu đúng như những điều khoản nêu trên thì người phạm tội sẽ phải bị phạt như thế nào? Và em phải làm sao? Vì bây giờ gia đình em hiện đàng ở nước ngoài và cũng không thể về ngay để giải quyết vấn đề.Còn về phần ông luật pháp ở xã, thì Theo mọi người ông ấy đúng hay sai  .Em rất mong sớm nhận được hồi âm của mọi người, tư vấn và cho em lời khuyên. Em xin trân thành cảm ơn 

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau

 

Thứ nhất, về việc tố giác hành vi của cậu bạn

 

Theo thông tin bạn cung cấp, Cậu của bạn đã có hành vi cố ý gây thương tích cho mẹ bạn. Vì vậy, nếu xác định cậu bạn có dấu hiệu cấu thành Tội cố ý gây thương tích thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định khởi tố vụ án. Việc xác định dấu hiệu tội phạm sẽ dựa trên các căn cứ được quy định tại Điều 143 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

 

Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

 

Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:

 

1. Tố giác của cá nhân;

 

2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

 

3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;

 

4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;

 

5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;

 

6. Người phạm tội tự thú.”

 

Vì vậy, mặc dù mẹ bạn hiện đang ở nước ngoài nhưng nếu mẹ bạn có đơn tố giác gửi đến cơ quan có thẩm quyền ( có thể dưới hình thức gửi đơn tố cáo gửi về ) hoặc có tin báo từ những cơ quan, tổ chức, cá nhân  hoặc các trường hợp khác quy định tại Điều 43 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm điều tra, xác minh để ra quyết định khởi tố vụ án. Tuy nhiên, nếu hiện tai mẹ bạn ở nước ngoài và không về Việt Nam được thì sẽ khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tìm ra các chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm  tội và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết trong vụ án. Theo quy định tại Điều 87 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, nguồn chứng cứ bao gồm:

 

Điều 87. Nguồn chứng cứ

 

1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:

 

a) Vật chứng;

 

b) Lời khai, lời trình bày;

 

c) Dữ liệu điện tử;

 

d) Kết luận giám định, định giá tài sản;

 

đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;

 

e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;

 

g) Các tài liệu, đồ vật khác.

 

2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự.”

 

Như vậy, nếu mẹ bạn hiện có ở Việt Nam thì sẽ thuận lợi để cơ quan tố tụng có thể tiến hành việc lấy lời khai của mẹ bạn và đưa mẹ bạn đi giám định tỷ lệ thương tích, từ đó có được kết luận giám định thương tích từ hội đồng giám định y khoa. Đây là một trong những chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của câu bạn.Cách tốt nhất đối với trường hợp của mẹ bạn đó là mẹ bạn sẽ trở về Việt Nam phối hợp với cơ quan công an trong quá trình điều tra, xác minh.

 

Thứ hai, hành vi của cán bộ tiếp nhân trình báo của mẹ bạn

 

Việc cán bộ ở xã từ chối giải quyết đơn trình báo của mẹ bạn vì lý do người bị tố cáo đi làm ăn xa là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Theo Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, công an xã có trách nhiệm như sau khi nhận được tố giác về tội phạm

 

"Điều 146. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

...3. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền."

 

Và thời hạn để giải quyết tố giác về tội phạm được xác định theo Điều 147 Bộ luật tố tụng hình hình sự 2015

 

"Điều 147. Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

 

1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

 

a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

 

b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

 

c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 

2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

 

Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

 

3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:

 

a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;

 

b) Khám nghiệm hiện trường;

 

c) Khám nghiệm tử thi;

 

d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.

 

4. Trình tự, thủ tục, thời hạn Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều này."

 

Thứ ba, mức hình phạt đối với người có hành vi cố ý gây thương tích

 

Qua các qua trình tố tụng: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ,nếu  đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì câu bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm  2017.

 

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 
 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 
 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; 
 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; 
 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; 
 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; 
 

đ) Có tổ chức; 
 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; “

 

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; 

 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; 
 

i) Có tính chất côn đồ; 
 

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 
 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm: 
 

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; 
 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%; 
 

c) Phạm tội 02 lần trở lên; 
 

d) Tái phạm nguy hiểm; 

 

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 
 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: 
 

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này; 
 

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; 
 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này; 
 

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 
 

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm: 
 

a) Làm chết người; 
 

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
 

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; 
 

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này; 
 

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 
 

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: 
 

a) Làm chết 02 người trở lên; 


b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 
 

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm

 

Căn cứ vào tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cũng như những tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo và đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo;nguyên nhân và điều kiện phạm tội thì Tòa an sẽ xác định mức hình phạt hợp lý cho người có hành vi vi phạm.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Trân trọng.
Luật gia / CV tư vấn: Phương Hà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169