Trần Diềm Quỳnh

Nghỉ việc trước khi về hưu được hưởng những chế độ gì?

Chào luật sư, cho tôi hỏi, chồng tôi sinh năm 1969. Vào làm viêc ở công ty Q từ 1987.Cách đây vài năm sau đơt khám sức khỏe định kỳ, do huyết áp tăng nên công ty xêp vào loai sức khỏe yếu có bệnh án mãn tính cao huyêt áp. Hàng tháng phải lên y tế để đo huyết áp, y tế cấp thuốc và cho giấy xác nhận thì mới được bố trí công việc và chuyển từ công việc vận hành máy sàng sang công việc khác, không đi ca.

 

Năm nay công ty sẽ giảm môt số lao động nên chồng tôi thuộc diện sức yếu công ty cho chọn 1 trong 2 phương án: 1 là cho làm đơn tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động thì sẽ được công ty hỗ trợ 85 tháng lương cơ bản bằng 102 triệu và tiền BHLĐ hỗ trợ là 51 triệu. 2 Là công ty sẽ giám định Sk không đạt thì công ty chấm dứt hợp đồng và không được hỗ trợ 102 triệu, chỉ được hưởng 51 triệu. Hạn trong 3 ngày để viết đơn tư nguyện chấm dưt hơp đồng lđ. Chồng tôi hệ số lương là 4,07. Theo công ty cho biết là đã được 28 năm 6thang Bảo hiểm, và mới 47 tuổi chưa đến mốc 51-55 tuổi để hưởng chế độ hưu. Vậy nếu làm đơn tự nguyện chấm dưt hơp đồng Lđ thì ngoài số tiền 153 triệu như trên còn có khoản tiền nào khác không? Và có được tiếp tục đóng bảo hiểm chờ tuổi để làm chế độ hưu không ? Nếu muốn sau này có sổ hưu thì phải làm thế nào?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của chị chúng tôi tư vấn như sau:

 

Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 quy định:

 

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

 

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

 

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

 

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

 

...

 

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

 

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

 

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;

 

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;

 

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.

 

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”

 

Về trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động 2012:

 

1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

 

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

 

3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc.”

 

Nếu người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng chế độ về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc sẽ bị trừ đi khoảng thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

 

Bên cạnh đó, người lao động có thể được hưởng trợ cấp bảo hiểm lao động nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

 

Theo như thông tin chị cung cấp, nếu chồng chị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc và bảo hiểm lao động hỗ trợ, mức hỗ trợ đã được công ty cung cấp cụ thể. Bên cạnh đó, nếu chồng chị còn tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng khoảng thời gian để tính bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được tính vào thời gian lao động hưởng trợ cấp thôi việc.

 

Về việc đóng bảo hiểm để chờ hưởng chế độ hưu:

 

Khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định điều kiện để được hưởng lương hưu:

 

Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi;

 

b) Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên;

 

c) Người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;

 

d) Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn, rủi ro nghề nghiệp."

 

Điều 61 Luật bảo hiểm xã hội quy định về bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội:

 

Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 60 của Luật này thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.”

 

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của chồng chị đã trên 20 năm, nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí nên chồng chị có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi đủ tuổi được hưởng chế độ hưu trí.

 

Về hồ sơ hưởng hưu trí:

 

Khoản 2 điều 108 Luật bảo hiểm xã hội quy định:

 

Hồ sơ hưởng lương hưu đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội gồm cả người đang chấp hành hình phạt tù bao gồm:

 

a) Sổ bảo hiểm xã hội;

 

b) Đơn đề nghị hưởng lương hưu;

 

c) Giấy ủy quyền làm thủ tục giải quyết chế độ hưu trí và nhận lương hưu đối với người đang chấp hành hình phạt tù;

 

d) Văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trở về nước định cư hợp pháp đối với trường hợp xuất cảnh trái phép;

 

đ) Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với trường hợp người mất tích trở về“.

 

Tùy từng trường hợp, hồ sơ hưởng lương hưu sẽ có những giấy tờ phù hợp.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nghỉ việc trước khi về hưu được hưởng những chế độ gì?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Trịnh Thị Quyên – Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo