Nguyễn Thị Tuyết Nhung

Nghỉ việc trong thời gian thử việc có phải báo trước không?

Hợp đồng thử việc là một trong những loại hợp đồng phổ biến hiện nay. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về hợp đồng thử việc? Nghỉ việc trong thời gian thử việc có cần báo trước không? Tự ý nghỉ việc mà không báo trước có vi phạm quy định của pháp luật lao động không? Công ty Luật Minh Gia xin tư vấn như sau:

1. Luật sư tư vấn về pháp luật lao động

Trước khi ký kết hợp đồng chính thức, người lao động và người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận về việc làm thử đối với một công việc cụ thể trong thời hạn nhất định theo quy định pháp luật.

Có thể di một số nguyên nhân khác nhau như công việc hoặc môi trường làm việc không phù hợp hay người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc,...mà trong quá trình thử việc, người lao động hay người sử dụng lao động mong muốn chấm dứt hợp đồng thử việc. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng thực hiện như thế nào, hay có phải báo trước cho bên còn lại biết về việc mình muốn chấm dứt hợp đồng thửu việc không thì không phải ai cũng nắm rõ. Để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của mình, bạn nên tìm hiểu các quy định pháp luật về vấn đề này.

Nếu không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, hãy liên hệ với công ty Luật Minh Gia chúng tôi thông qua hình thức gửi Email tư vấn hoặc liên hệ qua tổng đài 1900.6169 để được hỗ trợ tư vấn về các vấn đề mình đang vướng mắc.

2. Tư vấn về hợp đồng thử việc

Nội dung tư vấn: Chào luật sư. Em vừa vào làm cho một cty điện tử ở vị trí nhân viên QC văn phòng. Thời gian thử việc là 2 tháng, lương chính thức là 8tr, lương thử việc là 5,6tr. Em không có ký hợp đồng thử việc với công ty chỉ thỏa thuận bằng miệng. Công ty yêu cầu e nộp bằng tốt nghiệp bản gốc cho công ty để đảm bảo em không nghỉ ngang, như vậy có đúng luật lao động không? khi em nộp bằng gốc có nhận được một biên nhận của công ty do phòng nhân sự cấp có chữ ký xác nhận của em và phòng nhân sự. Sau khi em vô làm được 2 tuần phòng nhân sự có gửi em một bản cam kết kêu em ký, em vẫn chưa ký tên hình ảnh bản cam kết em có gửi bên dưới, em thấy những điều trong bản cam kết quá vô lý như vậy thì bản cam kết trên có đúng luật hiện hành của nhà nước ko? Nếu đã lỡ ký thì bản cam kết này có hiệu lực phải ko ạ?

Em đang định xin nghỉ việc vì thấy công ty không phù hợp với em, vậy em phải báo trước mấy ngày và có phải cần sự đồng ý của công ty em mới được nghỉ phải ko? ( em đang trong thời gian thử việc). Một vấn đề nữa là trong thời gian làm thử việc 2 tuần này em chỉ ngồi trong văn phòng đọc tài liệu training và học vài lớp traning cho nhân viên mà chưa thật sự bắt đầu làm việc (vì đơn hàng của cty chưa về nên vẫn chưa có công việc làm vì em là QC).Vậy khi e nghỉ việc có được hưởng lương 2 tuần này không ?(em có chấm công bằng máy quét vân tay) .Vì em nghe mấy người cũ nói khi nghỉ việc cty sẽ trừ những chi phí mà cty đã training tại cty ạ và những người nghỉ trước e đã từng bị như vậy có khi cty còn ko trả lương thử việc luôn nếu người ta nghỉ việc. Như vậy e có dc tiền công 2 tuần làm việc này ko và e có phải trả lại những chi phí dc cho là cphí đào tạo tại chỗ của cty cho nhân viên ko?Nếu cty ko trả lương cho e thì e phải khiếu nại ở đâu? Không đưa lại bằng tốt nghiệp bản gốc cho em thì sao ạ ( tại em nghe nhân viên cũ nói cty sẽ chậm đưa lại bằng tốt nghiệp cho người nghỉ) vậy có thời gian tối đa bao lâu công ty mới trả cho em sau ngày em nghỉ việc ạ. Em đang ở tại quận 9 thì nếu ko trả lương em có thể khiếu nại ở đâu?Xin cám ơn,Trân trọng.

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc công ty yêu cầu bạn nộp bằng tốt nghiệp bản gốc cho công ty để đảm bảo bạn không nghỉ ngang.

Theo khoản 1 điều 20 Bộ luật Lao động 2012 quy định về Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động: “Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.”

Như vậy, việc công ty yêu cầu anh nộp bằng tốt nghiệp bản gốc là trái với quy định của pháp luật. Theo điểm a khoản 2 Nghị định 88/2015/NĐ-CP, công ty có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 25.000.000 đồng về hành vi vi phạm của mình và buộc phải trả lại bằng tốt nghiệp bản gốc cho bạn.

Thứ hai, về bản cam kết mà công ty yêu cầu bạn ký.

Rất tiếc vì hình ảnh bản cam kết bạn gửi cho chúng tôi không thể truy cập được nên chúng tôi không thể xem xét cụ thể việc bản cam kết này có hợp pháp không. Tuy nhiên, nếu bản cam kết có các điều khoản như yêu cầu bạn phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động, yêu cầu bạn nộp bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ,… thì bản cam kết này sẽ vi phạm quy định của pháp luật và điều khoản đó không có hiệu lực.

Thứ ba, về việc phải báo trước khi xin nghỉ việc.

Theo quy định tại  khoản 2 điều 29 Bộ luật lao động: “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.”

Như vậy, nếu bạn đang trong thời gian thử việc, bạn hoàn toàn có thể hủy bỏ thỏa thuận thử việc, chấm dứt việc thử việc mà không cần thông báo trước.

Thứ tư, về khoản tiền lương trong hai tuần thử việc.

Khoản 2, điều 47 Bộ luật lao động có quy định:

“Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”

Như vậy, khi bạn nghỉ việc, công ty có nghĩa vụ phải thanh toán tiền lương cho bạn trong quãng thời gian thử việc hai tuần.

Nếu công ty không trả lương cho bạn, bạn nộp đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động tới hòa giải viên lao động của Phòng lao động thương binh xã hội cấp huyện nơi công ty bạn có trụ sở hoạt động, nếu hòa giải không thành thì bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.

Lưu ý là thời hiệu để bạn yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động là 06 tháng, yêu cầu Tòa án giải quyết là 1 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thứ năm, về việc bồi thường chi phí đào tạo.

Khoản 3 điều 93 quy định Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật “Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.”

Như vậy, trong trường hợp này, bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng không trái quy định pháp luật nên bạn không phải hoàn trả chi phí đào tạo cho công ty trong thời gian bạn thử việc.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo