Vũ Thanh Thủy

Nghỉ việc không được thanh toán tiền lương

Thưa luật sư, cho tôi hỏi, tôi làm việc ở spa được 86 ngày, từ 23/9/2017- 17/12/2017. Vì trong công việc có rất nhiều vấn đề tranh chấp giữa các nhân viên, nên tôi và 1 bạn nữa đã nhiều lần xin nghỉ việc.

 

Nhưng vì không tìm được nhân viên mới nên cô chủ thuyết phục chúng tôi ở lại làm và hứa sẽ giải quyết tốt mọi vấn đề. Nhưng hết lần này đến lần khác, mọi việc vẫn không có chút tiến triển. Ngày 17/12/2017 cô chủ họp mặt nhân viên để giải quyết, nhưng có bạn đứng lên quát tháo ầm ĩ rồi bỏ đi nên cuộc họp bị gián đoạn. Tôi thấy không thể tiếp tục làm việc được nữa, nên tôi và bạn tôi buộc phải nghỉ việc. Sau 1 tuần tôi có mang đồng phục đến tiệm để trả. Đến hết tháng thì cô chủ không trả lương, cũng không nói gì, bạn tôi mới nhắn tin hỏi cô chủ, nhưng cô chủ bảo "theo luật thì nghỉ việc chưa được sự đồng ý của cô chủ thì không trả lương." Vậy luật sư làm ơn cho tôi hỏi, tôi có hy vọng gì lấy đc 17 ngày lương (tháng cuối cùng tôi làm việc ở đó) và tiền tour + % bán sản phẩm và liệu trình của tôi không? Tổng cộng là 3.710.000 đồng. Xin nói rõ là giữa tôi và cô chủ không có ký kết hợp đồng lao động. Mong được luật sư giải đáp, chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi tới Công ty Luật Minh Gia, với tình huống của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

 

Căn cứ theo  Điều 16 Bộ Luật Lao động 2012 quy định:

 

Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động

 

1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

 

2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

 

Theo đó  đối với những hợp đồng dưới 03 tháng thì không bắt buộc phải ký hợp đồng lao động. Như vậy, nếu bạn làm việc từ ngày 23/09/2017 đến ngày 17/12/2017 tức là thời gian dưới 3 tháng thì vẫn có thể giao kết hợp đồng bằng miệng.

 

Về vấn đề trả tiền lương trong 17 ngày làm việc thì tại Điều 96 Bộ Luật Lao động 2012 quy định:

 

Điều 96. Nguyên tắc trả lương

 

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

 

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

 

Theo như quy định trên thì chủ của bạn có trách nhiệm phải trả lương đầy đủ theo đúng với số ngày bạn làm việc và thời gian các bên đã giao kết. Việc người chủ này không trả tiền lương theo đúng thỏa thuận thì hành vi này sẽ bị xử phạt theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP như sau:

 

"Điều 13. Vi phạm quy định về tiền lương

 

3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định tại Điều 96 của Bộ luật Lao động; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; trả lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm cho người lao động thấp hơn mức quy định tại Điều 97 của Bộ luật Lao động; khấu trừ tiền lương của người lao động trái quy định tại Điều 101 của Bộ luật Lao động; trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định tại Điều 98 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

4. Phạt tiền người sử dụng lao động trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định theo các mức sau đây:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả đủ tiền lương cho người lao động theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này;

b) Buộc trả khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này.

 

Vì vậy trong trường hợp trên bạn có thể khiếu nại trực tiếp đến người sử dụng lao động hoặc Phòng Lao động thương binh và xã hội để nhờ giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Đào Thị Trà - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo