Nghỉ thai sản có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?
Mục lục bài viết
1. Tư vấn về nghỉ thai sản hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Khi tư vấn pháp luật về lao động thì Luật sư phải hiểu bản chất vấn đề vì đa số những trường hợp liên quan đến lao động thì bản chất của vấn đề không nằm ở trong văn bản, giấy tờ, tài liệu mà nằm ở mâu thuẫn hoặc nhu cầu thực tế của chủ thể. Vì vậy, trước khi tư vấn pháp luật về lao động thì người tư vấn phải giải quyết được bản chất thật sự của vấn đề trước khi bước vào tư vấn trình tự, thủ tục hoặc quy định pháp luật liên quan.
Một số các câu hỏi về lao động mà Luật Minh Gia nhận được của khách hàng như:
- Sau khi nghỉ việc thì có được hưởng chế độ thai sản hay không? Mức hưởng đối với chế độ thai sản như thế nào?
- Quy định về làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật lao động 2019 có điều gì khác so với Bộ luật lao động 2012 hay không?
- Không đến nhận Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của Trung tâm dịch vụ việc làm thì có được bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp không?
- Làm thế nào để giải quyết tranh chấp về lao động? Các trường hợp tranh chấp về lao động mà không bắt buộc phải tiến hành hòa giải trước khi khởi kiện ra Tòa án?
Luật Minh gia gửi đến quý khách hàng tính huống dưới đây để tham khảo và đưa ra hướng xử lý phù hợp..
2. Nghỉ chế độ thai sản có được nhận bảo hiểm thất nghiệp không?
Câu hỏi:
Em tham gia làm việc tại cty từ năm 2014 và được cty tham gia đóng BH đầy đủ. Gần đây do có việc nên e xin nghỉ việc làm ở công ty. Em đang dự tính sẽ sinh em bé. Vậy nhờ Luật sư tư vấn dùm em liệu e có được hưởng tiền bảo hiểm thai sản và các thủ tục để em nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp như thế nào. Em xin cảm ơn ạ.
Giải đáp:
Thứ nhất về chế độ thai sản.
Theo quy định tại Điều 31, điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con được chia thành hai trường hợp như sau:
Trường hợp thứ nhất: Lao động nữ mang thai không phải nghỉ việc dưỡng thai theo sự chỉ định của bác sĩ thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước khi sinh con.
Trường hợp thứ hai: Lao động nữ khi mang thai mà phải nghỉ việc dưỡng thai theo sự chỉ định của bác sĩ thì phải đáp ứng hai điều kiện bao gồm trong suốt quá trình đóng bảo hiểm phải đóng đủ 12 tháng và đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Như vậy, mặc dù bạn nghỉ việc nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của bạn đáp ứng đủ điều kiện tương ứng với một trong hai trường hợp nêu trên thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
Thứ hai về hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Trường hợp bạn đã chấm dứt hợp đồng và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động thì đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khi đó bạn cần thực hiện theo các bước dưới đây để được hưởng bảo hiểm thất nghiệp:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 16 Nghị định 28/2015 NĐ-CP, sửa đổi bằng nghị định 61/2020 NĐ-CP Hướng dẫn Luật việc làm và bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu;
- Một trong các giấy tờ sau (phụ thuộc vào từng trường hợp nghỉ việc): Quyết định thôi việc; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng; Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hết thời hạn; Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó nêu rõ thông tin của chị, loại hợp đồng đã ký, lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Nộp hồ sơ đã chuẩn bị tại Bước 1 tại Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Chị lưu ý là nộp hồ sơ trong vòng 3 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Bước 3: Thực hiện theo đúng những thông báo của Trung tâm dịch vụ việc làm như thời gian nhận quyết định hưởng trợ cấp thôi việc, thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm…Trường hợp chị không thực hiện đúng những thông báo của Trung tâm dịch vụ việc làm thì tùy từng trường hợp có thể dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc không được bảo lưu thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định pháp luật.
Tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên cho chị trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
---
3. Hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi đang nghỉ thai sản thế nào?
Câu hỏi:
Tôi làm công ty từ 8/20xx đến tháng 10/20xx tôi sinh em bé và nghỉ thai sản 6 tháng, đến tháng 4/20xx thì tôi làm lại đến nay đã được 5 tháng, nhưng tháng 10/20xx này tôi xin nghỉ, vậy tôi có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không, tôi không biết là trong thời gian tôi nghỉ thai sản công ty có đóng BHTN cho tôi hay không?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
- Điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại điều 49 Luật việc làm 2013 quy định như sau:
- Không chấm dứt HĐLĐ trái luật hoặc đang hưởng hưu trí, trợ cấp mất sức;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
- Nộp hồ sơ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ một số trường hợp: có việc làm mới; định cư ở nước ngoài;...
Như vậy, nếu trước đó bạn đã đóng đủ 12 tháng trở lên đối với bảo hiểm xã hội thất nghiệp trong thời gian 24 tháng trước khi xin nghỉ việc vào tháng 10/2015 thì bạn sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
- Nghỉ thai sản có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp không?
Theo quy định tại quy định tại điều 42 Quyết định 595/QĐ quy định như sau:
"... 6. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người lao động.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được ghi trên sổ BHXH theo mức tiền lương đóng BHXH của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương..."
Đối chiếu quy định trên thì trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì công ty và người lao động đều không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian này tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất