Nghỉ việc do Covid có được hưởng lương không?
Mục lục bài viết
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp phải ngừng việc do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh như bị cách ly y tế, điều trị y tế, khu vực sống bị phong tỏa... Vậy quyền lợi của người lao động trong trường hợp này như thế nào?
Luật Minh Gia gửi tới Quý khách hàng tình huống thực tế dưới đây là một ví dụ.
Câu hỏi:
Thưa quý luật sư. Tôi đi làm ở công ty đã được 5 năm, công ty tôi là về sản xuất quần áo. Tháng 8 khu tôi có người bị nhiễm Covid thế nên tỉnh tôi có quyết định yêu cầu phong tỏa cả khu, không cho đi lại nên tôi không đi làm được. Tháng này hết phong tỏa nên tôi lại đi làm, tổng phong tỏa là 21 ngày.
Vậy Luật sư cho tôi hỏi tôi có được hưởng lương trong thời gian tôi nghỉ do bị phong tỏa không. Thực sự thì tôi đã báo với công ty, tôi muốn đi làm nhưng người canh gác không cho tôi đi do có lệnh phong tỏa. Cảm ơn Luật sư.
Giải đáp:
- Quy định hưởng lương ngừng việc vì lý do dịch bệnh
Ngày 15/6/2021 Cục Quan hệ lao động và Tiền lương - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 264/QHLĐTL-TL hướng dẫn trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc do liên quan dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, điểm b mục 2 Công văn số 264/QHLĐTL-TL quy định như sau:
“2. Đối với những trường hợp người lao động phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 sau đây được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019:
a) Người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (cách ly tập trung, cách ly tại nhà, cách ly tại khu nhà trọ, cách ly khu lưu trú,...);
b) Người lao động phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;…”
Đối chiếu với quy định nêu trên, trường hợp bạn không đi làm được do sống tại vùng phong tỏa theo Quyết định của Ủy ban tỉnh thì bạn được trả lương ngừng việc theo quy định tại Điều 99 Bộ luật lao động 2019.
Tiền lương ngừng việc trong các trường hợp này do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo:
- Nếu thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì tiền lương ngừng việc hai bên thỏa thuận nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (có thể trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng);
- Nếu thời gian ngừng việc trên 14 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì:
+ Tiền lương ngừng việc của 14 ngày đầu tiên hai bên thỏa thuận nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (có thể trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng);
+ Tiền lương ngừng việc của những ngày tiếp theo hai bên thỏa thuận (có thể trả thấp hơn, bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng).
Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì bạn nghỉ tổng 21 ngày, trường hợp này nghỉ 14 ngày làm việc đầu tiên (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì bạn với công ty có thể thỏa thuận tiền lương không thấp hơn lương tối thiểu vùng, đối với 7 ngày làm việc còn lại (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì công ty và bạn có thể thỏa thuận tiền lương ngừng việc cao hơn, bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Trên đây là giải đáp của Luật Minh Gia về trường hợp của bạn, Luật Minh Gia mong rằng giải đáp này có thể giúp bạn xử lý được trường hợp của mình.
Trân trọng./.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất