Nghỉ ốm đau 06 tháng có được hưởng nghỉ phép năm không?
Mục lục bài viết
1. Luật sư tư vấn về lao động
Khi người lao động nghỉ ốm đau thì có bị trừ ngày phép năm không? Thời gian hưởng phép năm được pháp luật quy định như thế nào? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người lao động cũng như doanh nghiệp quan tâm. Nếu bạn và doanh nghiệp của bạn đang gặp phải vướng mắc liên quan đến vấn đề này, bạn cần tham khảo các quy định của luật lao động và luật bảo hiểm xã hội hoặc tham khảo ý kiến của luật sư chuyên môn. Trong trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.
2. Câu hỏi tư vấn
Câu hỏi 1:
Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào luật sư. Em có câu hỏi muốn hỏi luật sư về trường hợp nghỉ chế độ ốm đau 06 tháng có được hưởng chế độ nghỉ phép năm không như sau: Trường hợp công nhân viên điều trị ốm đau (1 số bệnh themo danh mục điều trị dài ngày như lao phổi...) thì sau thời gian điều trị 6 tháng và trở lại công ty làm việc thì 6 tháng nghỉ đó có được hưởng 6 ngày phép năm đó sau thời gian điều trị không?
Vì theo nghị định 145 thì trường hợp ốm đau chỉ được điều trị tối đa không quá 2 tháng thì vẫn được hưởng phép năm, trường hợp của em quy định thế nào? Em xin cảm ơn luật sư.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo khoản 2 Điều 26 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc doanh mục bệnh cần chữa trị dài ngày như sau:
“2. Người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
a) Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần;
b) Hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định tại điểm a khoản này mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày được nghỉ tối đa không quá 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần. Nếu hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng chế độ ốm đau với mức thấp hơn.
Mặt khác, căn cứ khoản 6 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động cụ thể:“6. Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.”
Như vậy, người lao động nghỉ ốm đau để điều trị bệnh dài ngày 06 tháng sau đó quay trở lại làm việc thì 06 tháng nghỉ không được hưởng nghỉ phép năm mà chỉ được hưởng chế độ ốm đau themo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội.
Câu hỏi 2:
Nội dung yêu cầu tư vấn: Thưa luật sư, em công tác tại ban quản lý rừng thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, từ tháng 9 năm 2008, cho đến nay. Hiện tại em muốn xin nghỉ việc để đi Bình Dương làm công ty, như vậy nếu xin nghỉ em sẽ được hưởng những chế độ gì theo luật bảo hiểm xã hội, em vào biên chế tháng 12 năm 2020 và nếu như em muốn bảo lưu bảo hiểm xã hội, lên công ty đóng tiếp có được không và cơ quan chủ quản hiện tại có trách nhiệm làm giúp bảo hiểm khi em nghỉ việc không hay tự em làm, nếu như được bảo lưu lên công ty đóng tiếp vậy sau này khi em không còn làm ở công ty thì bảo hiểm được tính như thế nào, theo giai đoạn hay tính theo mức lương tại thời điểm em nghỉ việc, vì lương công ty cao hơn lương nhà nước. Nhờ sự tư vấn của ls ạ chân thành cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Theo thông tin anh/chị cung cấp thì có thể hiểu anh/chị là công chức, khi xin thôi việc theo nguyện vọng, anh/chị được hưởng chế độ thôi việc theo Điều 3 Nghị định 46/2010/NĐ-CP: "Công chức được hưởng chế độ thôi việc quy định tại Nghị định này trong các trường hợp sau:
1. Theo nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đồng ý.
2. Do 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 58 Luật Cán bộ, công chức".
Mức trợ cấp thôi việc: Theo Điều 5 Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về trợ cấp thôi việc như sau:“Công chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau: cứ mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 (một phần hai) tháng lương hiện hưởng, gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có). Mức trợ cấp thấp nhất bằng 01 (một) tháng lương hiện hưởng.” Như vậy, mức trợ cấp thôi việc mà anh được hưởng tương ứng với mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng.
Sau khi nghỉ việc, ngoài việc chi trả trợ cấp thôi việc, cơ quan chỉ có trách nhiệm chốt sổ BHXH và trả sổ BHXH cho anh/chị, ngoài ra các chế độ khác bên BHXH anh/chị sẽ phải tự đi làm thủ tục để hưởng (nếu có). Nếu sau khi nghỉ việc, anh/chị tiếp tục làm việc tại một doanh nghiệp thì sẽ tham gia BHXH và tham gia tiếp vào số sổ BHXH đã tham gia trong cơ quan nhà nước, thời gian tham gia BHXH sẽ được cộng dồn. Về tiền lương làm căn cứ tính hưởng chế độ BHXH sẽ tùy vào từng loại chế độ BHXH được hưởng.
Trân trọng!
Phòng tư vấn – Công ty Luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất