LS Thanh Hương

Người lao động nghỉ ngang công ty không trả sổ BHXH làm thế nào?

Luật sư tư vấn trường hợp công ty giữ sổ BHXH của người lao động với lý do đang nợ nghĩa vụ với bên thứ ba, phương hướng giải quyết và các vấn đề pháp lý liên quan, cụ thể như sau:

Câu hỏi:

Chào luật sư! Em có một vướng mắc mong được ban luật sư giúp đỡ giải đáp. Em làm việc ở công ty từ năm 20xx cho đên giữa tháng 1/20xx e xin nghỉ việc chuyển công tác. Về sổ, phía kế toán đã chốt xong bảo hiểm cho em nhưng giám đốc không đồng ý trả sổ ( công ty làm về khai thác bến bãi container).

Lý do như sau :Trong thời gian công tác vẫn chưa giải quyết dứt điểm những tồn đọng của công ty( em làm quản lí bãi). Trong khoảng tháng 7/2017 khi công ty cho kéo container sang cảng để xuất tàu,nhân viên có thông báo cho em rằng container va vào cổng dẫn đến hư hỏng nặng. Do không sửa chữa được tại đây nên bên em đã xin được hãng tàu chuyển qua đầu nước ngoài sửa chữa. Nhưng đến nay công ty vẫn chưa thanh toán số tiền sửa chữa đó.

Vì lí do này mà giám đốc mới không đồng ý trả sổ bảo hiểm. Em không phải là người gây tổn thất cho công ty mà lại đưa ra lí do này để giữ sổ bảo hiểm.Kính mong luật sư tư vấn giúp em về việc này

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn tư vấn bởi Công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động có quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Điều 47. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động

1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.

4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán.

Như vậy, chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi hợp đồng lao động chấm dứt là trách nhiệm của công ty, nếu không thực hiện theo thì đây được coi là hành vi trái pháp luật. Công ty không thể lấy lý do đang nợ nghĩa vụ với bên thứ ba để giữ sổ bảo hiểm của bạn, thêm nữa việc giữ sổ bảo hiểm của bạn thì công ty cũng không được lợi gì cho việc trả nợ với bên bị gây thiệt hại.

Thêm vào đó bạn có cung cấp thông tin thiệt hại phát sinh không phải do lỗi của bạn nên công ty càng không có căn cứ giữ sổ bảo hiểm của bạn với lý do trên. Ngay cả trong trường hợp bạn là người gây tổn thất cho công ty thì công ty cũng không có quyền giữ sổ bảo hiểm của bạn, mà chỉ có thể yêu cầu bạn bồi thường thiệt hại theo thủ tục riêng, độc lập với việc chốt và trả sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà công ty đang giữ.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn có thể làm việc lại với ban giám đốc công ty để giải quyết sự việc, nếu không bạn có thể gửi đơn khiếu nại lên Phòng Lao động – Thương  binh và xã hội để yêu cầu giải quyết.

Trân trọng.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo