Nghỉ hưu có được hưởng trợ cấp thôi việc trợ cấp thất nghiệp
1. Luật sư tư vấn Luật Lao động, Luật Việc làm
Mặc dù Bộ luật Lao động hiện hành không có quy định cụ thể giải thích trợ cấp thôi việc là gì, tuy nhiên dựa trên bản chất của loại trợ cấp này có thể hiểu: Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Trợ cấp thôi việc có ý nghĩa hỗ trợ, bù đắp cho người lao động đã cống hiến sức lao động lâu dài cho công ty.
Trợ cấp thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Về bản chất, hai loại trợ cấp nêu trên đều nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, pháp luật quy định với mỗi loại trợ cấp khác nhau có điều kiện hưởng và mức hưởng hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, nếu bạn đang có vướng mắc liên quan đến hai loại trợ cấp này thì bạn nên tìm hiểu các quy định của pháp luật hoặc hỏi ý kiến luật sư chuyên môn. Trong trường hợp bạn không có thời gian tìm hiểu hoặc không có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp và hướng dẫn các phương án cụ thể.
2. Tư vấn về điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp
Câu hỏi: Tôi là giáo viên mầm non, từ tháng 9/1996 thì tôi vào ngành và có ký hợp đồng lao động với quận, đến tháng 8/2015 thì tôi hết tuổi lao động và tôi đã có hồ sơ thủ tục đầy đủ. Tuy nhiên Ủy ban ra quyết định là ngưng hợp đồng đối với hợp đồng quận chứ không phải là chấm dứt hợp đồng như theo luật lao đông năm 2012. Trên tờ quyết định chỉ đề là tôi thâm niên công tác được 18 năm 8 tháng mà thôi, như vậy tôi có được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc và bảo hiểm thất nghiệp hay không. Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời: Chào bạn, trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo quy định pháp luật lao động hiện hành thì không có quy định về “ngưng hợp đồng lao động” mà đối với trường hợp người lao động không tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động nữa thì được gọi là “chấm dứt hợp đồng lao động”, được quy định tại một trong các trường hợp của Điều 36 Bộ luật lao động năm 2012, cụ thể:
“1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.
5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.
6. Người lao động chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhật, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.”
Nếu bạn chấm dứt hợp đồng thuộc trường hợp được quy định tại Khoản 4 hoặc Khoản 8 Điều này, cụ thể “Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật này.” hoặc "Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này." thì căn cứ quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động năm 2012 thì bạn không thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp thôi việc:
"1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương."
Nếu bạn chấm dứt hợp đồng thuộc trường hợp khác thì bạn được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động nêu trên và hướng dẫn tại Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Đối với trợ cấp thất nghiệp, căn cứ Luật việc làm năm 2015, cụ thể Điều 43 thì người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ điều kiện sau:
“1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;
b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;
4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;
đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Chết.”
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, nếu bạn đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng thì bạn sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp bạn không được hưởng lương hưu hàng tháng và đáp ứng đủ các điều kiện trên thì bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 50 Luật việc làm 2013:
"1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này."
---------------
Câu hỏi thứ 2 - Công ty chậm trả sổ BHXH có được yêu cầu bồi thường?
Chào luật sư! Cho e hỏi: E chính thức nghỉ việc tại công ty từ tháng 08/201x. Thời gian làm việc và tham gia đóng bảo hiểm được 2 năm, nhưng vì công ty nợ bảo hiểm nên đến nay đã 9 tháng e vẫn chưa nhận được sổ bảo hiểm. Vì vậy e đã quá hạn đăng ký hưởng BHTN. E muốn hỏi, em có quyền yêu cầu công ty bồi thường số tiền BHTN theo quy định hay không. Trường hợp công ty không bồi thường, E có thể kiện công ty về vấn đề này được không. Em xin cảm ơn!
Trả lời:Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn trường hợp tương tự sau đây:
>> Tư vấn về chậm trả sổ bảo hiểm thất nghiệp
Căn cứ quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động 2012 về trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:
"1. Ít nhất 15 ngày trước ngày hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho người lao động biết thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
4. Trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết được ưu tiên thanh toán".
Theo quy định của Luật việc làm 2013 thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trường hợp này, công ty đã vi phạm nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi chấm dứt HĐLĐ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng trợ cấp thất nghiệp của anh/chị. Do đó, anh/chị hoàn toàn có quyền yêu cầu phía công ty bồi thường thiệt hại cho mình theo quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Anh/chị có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất