Nên nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2015 hay 2016?

Tôi sinh vào ngày 20/1/1964 Từ 5/1989 đến 10/1992 tôi đóng bảo hiểm tại Đài tiếng nói VN. Từ 11/1992 đến hết 6/2014 tôi đã đóng bảo hiểm tại Ngân hàng liên doanh Indovina ( khối liên doanh - chủ trả người lao động) Tổng thời gian đóng bảo hiểm cả bên quốc doanh và liên doanh toi đã đóng là 21 năm 2 tháng

Từ tháng 7/2014 đến hết tháng 12/2015 tôi đã đóng bảo hiểm tự nguyện thêm 1 năm 6 tháng ( do tôi phải xin nghỉ việc đi theo chồng công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài)
Như vậy cho đến tháng 12/2015 tôi đã đóng được 22 năm 8 tháng. 
Tôi xin hỏi trường hợp của tôi muốn về hưu thì thời điểm nào có lợi nhất, vì tôi sinh 20/1 mà tôi đã đóng hết năm 2015 rồi. Mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Xin chân thành cảm ơn!

Nên nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2015 hay 2016?



Trả lời: Cám ơn bác đã gửi thông tin tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bác chúng tôi tư vấn như sau:

Theo nhu cầu của bác, có muốn về hưu trước tuổi vào năm 2015 hoặc 2016.

Thứ nhất, nếu bác về hưu trước tuổi năm 2015 sẽ áp dụng Luật bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 có hiệu lực từ ngày 1/1/2007. Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành thì chỉ có quy định về hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
 
Điều 51. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và e khoản 1 Điều 2 của Luật này đã đóng bảo hiểm xã hội đủ hai mươi năm trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại Điều 50 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Nam đủ năm mươi tuổi, nữ đủ bốn mươi lăm tuổi trở lên;
2. Có đủ mười lăm năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành.

Điều 52. Mức lương hưu hằng tháng
1. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 50 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 58, Điều 59 hoặc Điều 60 của Luật này tương ứng với mười lăm năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 51 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%.
3. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung.”

Như vậy, tính đến năm 2015 thì bác 51 tuổi, nếu đủ điều kiện về suy giảm khả năng lao động thì mức lương hưu của bác được tính như sau: 45% + (22-15)x2 = 59% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Bác về hưu trước tuổi 4 năm, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 1%, do đó,  mức lương hưu hằng tháng bạn được hưởng là 59% - 4% = 55% mức bình quân tiền lương tháng.

Thứ hai, nếu bác về hưu năm 2016 bạn đủ điều kiện về hưu theo tuổi, áp dụng Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH 13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

"Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động 
1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
2. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong cáctrường hợp sau đây:
a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.”

 Điều 56. Mức lương hưu hằng tháng.
1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.
Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
4. Mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 54 được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội như sau: đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này. Từ đủ 16 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm đóng tính thêm 2%.
5. Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 của Luật này.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
 
Tính đến năm 2016 bác 52 tuổi thì mức lương hưu hằng tháng của bạn được tính như sau: 45% + (22-15)x2% = 59% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Khác với Luật bảo hiểm xã hội hiện hành, LBHXH năm 2014 quy định cứ mỗi năm về hưu trước tuổi thì giảm 2% thì mức lương hưu của bác là: 59% - 6% = 53% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Như vậy, nếu bác nghỉ hưu năm 2015 thì bác nhận được 55% mức bình quân tiền lương tháng, cong nếu bác nghỉ hưu năm 2016 thì bác nhận được 53% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Nên nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2015 hay 2016?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!
Luật gia: Lê Duyên – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169