Mức phạt lấn chiếm đất đai là bao nhiêu?

Nhờ tư vấn về mức phạt lấn chiếm đất như sau: Ngày 1/3/20xx, tại địa phương tôi có 01 trường hợp chiếm đất để xây dựng nhà ở. Hiện trạng tại thời điểm lập biên bản xung quanh tứ cận đất là mồ mả (loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp). Theo quy hoạch sử dụng đất năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 05 năm kỳ đầu (2011-2015) của địa phương là quy hoạch đất nông nghiệp.

Hiện trạng sử dụng đất tại thời điểm kiểm kê trước đó là đất bằng chưa sử dụng. Như vậy với hành vi chiếm đất của đối tượng đó sẽ bị xử lý như thế nào cho đúng theo quy định của Nghị định 102/2014/NĐ-CP, Lập biên bản về hành vi chiếm đất nông nghiệp theo Khoản 1, Điều 10; hành vi chiếm đất phi nông nghiệp không phải đất ở theo khoản 2, Điều 10 hay lập biên bản chiếm đất ở đô thị theo Khoản 3 Điều 10. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 102/2014/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì hành vi lấn đất và chiếm đất được định nghĩa như sau:

“1. Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất.

2. Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê nhưng hết thời hạn giao, cho thuê đất không được Nhà nước gia hạn sử dụng mà không trả lại đất hoặc sử dụng đất khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.”

Mảnh đất tại thời điểm bị lấn chiếm thuộc nhóm đất nông nghiệp theo quy hoạch của địa phương, chưa sửa dụng. Trường hợp nêu trên có hành vi chiếm đất, sử dụng quỹ đất của địa phương để xây dựng nhà ở. Theo đó, sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 1 Điều 10 Nghị định này.

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

...

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.”

Ngoài xử phạt hành chính, yêu cầu người có hành vi chiếm đất trên khắc phục hậu quả buộc trả lại đất lấn chiếm và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất theo Khoản 5 Điều 10 Nghị định này.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169