Mức lương đóng BHXH và kê khai thuế TNCN thế nào?
Mục lục bài viết
1. Luật sư tư vấn về BHXH, Thuế TNCN
Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Về nguyên tắc, những khoản thu nhập phát sinh từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công là những khoản phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Đồng thời, người sử dụng lao động có nghĩa vụ kê khai đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động làm việc trong doanh nghiệp của mình dựa trên cơ sở tiền lương của người lao động.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh trong vấn đề này tương đối nhiều khiến cho doanh nghiệp lúng túng khi thực hiện các thủ tục. Do đó, nếu doanh nghiệp của bạn gặp phải trường hợp nêu trên, bạn cần tìm hiểu quy định liên quan hoặc hỏi ý kiến tư vấn luật sư riêng. Nếu không có thời gian tìm hiểu hiểu hoặc không có luật sư riêng bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để chúng tôi giải đáp.
Để được hỗ trợ, tư vấn về pháp luật BHXH - thuế TNCN bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hướng dẫn tư vấn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tư vấn mức lương đóng bảo hiểm xã hội và chịu thuế TNCN
Câu hỏi:
Em có 1 thắc mắc về HĐLĐ, BHXH và Thuế thu nhập cá nhân, Xin nhờ Luật Sư tư vấn ạ: Khi tuyển nhân viên Công ty có thỏa thuận là Lương trả cho nhân viên là 20triệu/tháng nhưng sẽ đóng thuế BHXH dựa trên mức lương là 4 triệu/tháng và trên hợp đồng có ghi như sau:
- Lương tháng: 20.000.000
- Lương cơ bản: 4.000.000
- Phụ cấp trách nhiệm: 8.500.000
- Phụ cấp chức vụ: 7.000.000
- Chuyên cần: 300.000
- Điện thoại: 200.000.
Vậy cho em được hỏi là:
1. Về phần khai báo thuế có vi phạm gì không?
2. Về phần BHXH công ty đóng dựa trên mức lương 4.000.000 có được không? Và phòng thương binh xã hội sẽ tính trên mức lương 4.000.000 hay 20.000.000?
3. Thuế thu nhập cá nhân thì cơ quan Nhà Nước sẽ tính thuế thu nhập cá nhân dựa trên lương 4.000.000 hay 20.000.000?
Em xin chân thành cảm ơn.
Mức lương đóng BHXH và chịu thuế TNCN
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Bạn nói “thuế BHXH” là sai nhé, bạn phải xem lại lao động Công ty bạn có thuộc Đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc theo quy định tại Luật BHXH.
“1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;
b) Cán bộ, công chức, viên chức;
c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;
d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;
đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;
e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.
3. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà các hợp đồng này không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng với người sử dụng lao động quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là người sử dụng lao động quy định tại khoản 2 Điều này có sử dụng từ mười lao động trở lên.
5. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam trong độ tuổi lao động, không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này.
6. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau đây gọi chung là người lao động.”
Theo quy định trên và Điều 43 Luật việc làm (Luật số 38/2013/QH13) ngày 16/11/2013, Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật số 46/2014/QH13) thì: Từ ngày 01/01/2015 người lao động làm việc có ký hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trong tất cả cơ quan, đơn vị (không phân biệt số lượng lao động cơ quan, đơn vị đang sử dụng) đều thuộc đối tượng đồng thời tham gia BHXH, BHYT và BHTN.
Câu hỏi thứ nhất:
Bạn hỏi “ khai báo thuế” ở đây là khai báo thuế gì? Vì bạn hỏi không rõ ràng nên chúng tôi sẽ không trả lời câu hỏi này.
Câu hỏi thứ hai:
Theo Công văn số 1374/BHXH-BT ngày 16/04/2012 của Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam:
“1. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 94 Luật BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành thì tiền lương và các khoản phụ cấp lương là hai khoản khác nhau.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH đối với đối tượng nêu trên không bao gồm các khoản phụ cấp.”
Thì: Công ty bạn sẽ đóng BHXH căn cứ theo tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động là: 4.000.000 đồng ( Theo thang bảng lương mà Doanh nghiệp tự xây dựng) không bao gồm các khoản phụ cấp. (Bạn nên ghi "Lương tháng" là: "Tổng lương và các khoản phụ cấp").
(Theo Điều 89 Luật BHXH (Luật số 58/2014/QH13) ngày 20/11/2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 thì tiền lương đóng BHXH là mức lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật).
Lưu ý: Mức lương cơ bản phải lớn hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu vùng khi doanh nghiệp xây dựng Thang bảng lương ( quy định tại Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/05/2013).
Và phòng lao động thương binh và xã hội sẽ kiểm tra Công ty bạn có trả lương đầy đủ trên Tổng lương: 20.000.000 đồng trên hợp đồng đã ký kết với người lao động.
Câu hỏi thứ ba:
Do bạn không nói rõ hợp đồng trên làm hợp đồng trên 3 tháng hay dưới 3 tháng, nên chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn 2 trường hợp:
1 - Đối với hợp đồng lao động trên 3 tháng:
Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) từ tiền lương, tiền công và các khoản giảm trừ được quy định tại Điều 2 và Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
….
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
...
đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,... cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
...”
"Điều 9: Các khoản giảm trừ
Các khoản giảm trừ theo hướng dẫn tại Điều này là các khoản được trừ vào thu nhập chịu thuế của cá nhân trước khi xác định thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh. Cụ thể như sau:
1. Giảm trừ gia cảnh
...
2. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện
...
3. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
..."
Và Điều 15 Thông tư 92/2015/TT/BTC ngày 15/6/2015:
Điều 15: Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:
“b) Các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện
Mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá một (01) triệu đồng/tháng đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính bao gồm cả số tiền do người sử dụng lao động đóng cho người lao động và cả số tiền do người lao động tự đóng (nếu có), kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ. Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm cấp.”
Như vậy, thuế TNCN sẽ tính trên tổng mức lương lao động Công ty bạn nhận được trừ đi khoản phụ cấp được trừ khi tính thuế TNCN đã nêu ở quy định trên là:
20.000.000 – 200.000 - Các khoản giảm trừ ( Giảm trừ gia cảnh, giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện, giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học) ( phụ cấp điện thoại 200.000 đồng có ghi rõ trong HĐLĐ).
2 - Đối với hợp đồng lao động dưới 3 tháng:
Vì lao động có tổng thu nhập 20 triệu/tháng nên Công ty bạn phải khấu trừ 10% trên tổng mức thu nhập người lao động được nhận nộp cho cơ quan thuế (quy định tại Khoản i điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ tài chính)
Trước khi tính thuế thu nhập cá nhân bạn phải quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế quy định tại Khoản 1 Điều14 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 theo bảng quy đổi thu nhập phụ lục 02/PL-TNCN (tại Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013):
“a) Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận (không bao gồm thu nhập được miễn thuế) cộng (+) các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có) trừ (-) các khoản giảm trừ. Trường hợp người sử dụng lao động áp dụng chính sách “tiền thuế giả định”, “tiền nhà giả định” thì thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế không bao gồm “tiền thuế giả định”, “tiền nhà giả định”. Trường hợp trong các khoản trả thay có tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập (chưa bao gồm tiền thuê nhà thực tế phát sinh, “tiền nhà giả định” (nếu có)).
Công thức xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi:
Thu nhập làm căn cứ quy đổi |
= |
Thu nhập thực nhận |
+ |
Các khoản trả thay |
- |
Các khoản giảm trừ |
Trong đó:
- Thu nhập thực nhận là tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng (không bao gồm thu nhập được miễn thuế).
- Các khoản trả thay là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC à khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
- Các khoản giảm trừ bao gồm: giảm trừ gia cảnh; giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Điều 15 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.”
Sau khi bạn tính thu nhập tính thuế dựa trên bảng quy đổi thu nhập phụ lục 02/PL-TNCN thì tính số thuế phải nộp theo phụ lục 01/PL-TNCN (Cách tính thuế tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC)
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất