Cao Thị Hiền

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2024 là bao nhiêu?

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định như thế nào? Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là những ai? Chế độ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng theo quy định pháp luật? Trình tự, thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện như thế nào? Qua bài viết này Luật Minh Gia sẽ giải đáp mọi vướng mắc của quý khách hàng như sau:

1. Luật sư tư vấn về bảo hiểm xã hội tự nguyện

- Trên thực tế, chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng được Nhà nước quan tâm hơn và ban hành những quy định, chủ trương có lợi cho người lao động, nhằm khuyến khích tất cả người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, góp phần thực hiện công bằng xã hội.

- Mặc dù việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ, tạo điều kiện rất nhiều nhưng không phải người nào cũng tìm hiểu kỹ quy định pháp luật và nắm rõ mức đóng BHXH tự nguyện, những chế độ được hưởng khi họ tham gia, hoặc những ưu điểm, hạn chế để lựa chọn hình thức tham gia cho phù hợp.

Trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện, hãy liên hệ ngay Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.

- Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định như thế nào?

Câu hỏi: 

1. Mức lương hàng tháng của em là 5000.000đ nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mỗi tháng em phải đóng là bao nhiêu phần trăm? Và đóng tiền bảo hiểm tự nguyện bằng phương thức nào?

2. Em đang mang thai được 4 tháng, theo như em tìm hiểu nếu em tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng theo 6 tháng 1 lần thì phải đóng trong vòng 3 tháng đầu nghĩa là bây giờ em mới đóng thì tháng đầu tiên em tham gia bảo hiểm bắt đầu từ tháng 1 năm 20xx đến tháng 6 năm 20xx là đủ 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội vậy tháng 7 này em sinh con có được hưởng chế độ thai sản không ạ?

Mong anh, chị giải đáp giúp em ạ!

Trả lời:

Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia.Yêu cầu của bạn tôi xin được tư vấn như sau:

- Mức đóng BHXH của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội quy đinh về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

“1. Người lao động quy định tại khoản 4 Điều 2 của Luật này, hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. ..."

Ngoài ra khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định mức đóng BHXH tự nguyện như sau:

"1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng."

Như vậy, căn cứ quy định trên, hằng tháng bạn sẽ phải đóng bằng 22% mức thu nhập tháng. Tức đóng 22% của 5.000.000 đồng.

- Phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội quy đinh về phương thức đóng BHXH tự nguyện như sau:

"... 2. Người lao động được chọn một trong các phương thức đóng sau đây:

a) Hằng tháng;

b) 03 tháng một lần;

c) 06 tháng một lần;

d) 12 tháng một lần;

đ) Một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hằng tháng hoặc một lần cho những năm còn thiếu với mức cao hơn mức đóng hằng tháng so với quy định tại Điều này ...”

Đối chiếu quy định trên bạn có thể lựa chọn phương thức đóng hằng tháng, đóng 03, 06, 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo hướng dẫn trên.

- Tham gia BHXH tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản không?

Căn cứ quy định tại Điều 4 Luật BHXH 2014 quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

"...2. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:

a) Hưu trí;

b) Tử tuất.

3. Bảo hiểm hưu trí bổ sung do Chính phủ quy định.”

Như vậy, đối chiếu quy định pháp luật trên thì bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ bao gồm đối với chế độ tử tuất và chế độ hưu trí. Do đó, bạn không thể được hưởng chế độ thai sản khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

---

3. Tư vấn quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 

Câu hỏi:

Xin cho tôi hỏi, em trai tôi năm nay 29 tuổi đã tham gia đóng BHXH tại một công ty (nhưng vì lý do gia đình em tôi đã nghỉ và ngừng đóng BHXH tại đó cách đây 4 tháng)

Hiện em tôi đang tạm phụ giúp công việc của gia đình, xin cho hỏi em tôi không muốn bị gián đoạn thời gian đóng BHXH lúc này e tôi có thể tham gia đóng BHXH tự nguyện đóng 3 tháng được không ,với mức đóng khoảng là bao nhiêu? Liệu sau này em tôi tìm được công việc mới mà được công ty mới em tôi chuyển sang đóng BHXH theo chế độ của công ty có được không? Tôi xin cảm ơn mong được hồi âm lại.

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn, đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội hiện nay, em trai bạn không thể đóng bảo hiểm cho những tháng bị gián đoạn phía trước. Chỉ có thể tham gia bảo hiểm cho thời gian phía sau từ thời điểm đóng bảo hiểm tự nguyện.

Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, theo điều 87 Luật bảo hiểm xã hội, bạn được lựa chọn mức thu nhập hàng tháng để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hằng tháng đóng 22% mức thu nhập tháng lựa chọn vào quỹ bảo hiểm xã hội. Mức thu nhập lựa chọn của bạn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội băt buộc thì được tham gia bảo hiểm xã hội. Bạn có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo nhu cầu, khi nào bạn đi làm và thuộc đối tương tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bạn có thể ngừng bảo hiểm xã hội tự nguyện để tham gia bảo hiêm xã hội bắt buộc.

---

4. Đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu có được không?

Câu hỏi:

Kính nhờ Luật sư tư vấn giúp cho tôi như sau:

- Anh trai tôi năm nay 56 tuổi, là công nhân đã đóng BHXH bắt buộc được 18 năm (Từ 20xx đến nay). Hiện anh tôi muốn đóng BHXH tự nguyện một lần cho 2 năm (để đủ 20 năm đóng BH) thì sẽ phải đóng là bao nhiêu

- Cách tính % trừ khi thiếu năm công tác, thiếu tuổi, và thiếu năm đóng BHXH? Tôi xin cảm ơn Luât sư!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn, yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

- Về đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì điều kiện nghỉ hưu về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu là 20 năm. Như vậy, anh trai của bạn có 18 năm tham gia BHXH nên muốn được nghỉ hưu thì cần phải tham gia từ đủ 20 năm Bảo hiểm xã hội.

Đối chiếu yêu cầu của bạn theo quy định pháp luật thì trường hợp này anh trai của bạn có thể tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm,

- Mức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:

Căn cứ khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định như sau:

"Điều 10. Mức đóng

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội và theo phương thức đóng tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được quy định như sau:

1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng."

Như vậy, mức đóng là 22% mức lương do anh trai của bạn lựa chọn đóng.

Trên đây là nội dung tư vấn về: Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ bạn vui lòng liên hệ Luật Minh Gia để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn