Lại Thị Nhật Lệ

Mức bồi thường chi phí đào tạo được quy định như thế nào?

Nhằm mục tiêu bồi dưỡng, đào tạo nhân sự có tay nghề cũng như chuyên môn làm việc mà các công ty, đơn vị thường cử người lao động đi học tập các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ. Những khó học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ này thường có thời hạn ngắn hoặc dài tùy mục tiêu hướng tới của người sử dụng lao động. Vậy khi mà người lao động và người sử dụng lao động ký kết các hợp đồng đào tạo nghề thì quyền lợi cũng như nghĩa vụ mà người lao động khi được cử đi đào tạo cần lưu ý là gì?

1. Tư vấn quy định về bồi thường chi phí đào tạo

- Hợp đồng đào tạo được ký kết giữa người lao động và người sử dụng lao động thường có những điều khoản yêu cầu người lao động bắt buộc phải về làm việc tại đơn vị sau khi đã hoàn thành xong khóa đào tạo. Vậy trong những trường hợp người lao động sau khi hoàn thành xong khóa đào tạo nhưng không muốn trở lại tiếp tục làm việc tại công ty cũ thì có phát sinh vấn đề bồi thường chi phí đào tạo hay không? Pháp luật lao động quy định như nào về mức bồi thường chi phí đào tạo?

2. Cách xác định mức bồi thường chi phí đào tạo trong hợp đồng đào tạo?

Câu hỏi tư vấn:

Em hiện tại đang là viên chức làm việc ở bệnh viện huyện theo sự phân công của sở y tế tỉnh, do được sở y tế gửi đi đào tạo theo địa chỉ, hợp đồng đào tạo có ghi sau khi tốt nghiệp phải về tỉnh nhà phục vụ 5 năm, nếu không nhận công việc thì em phải đền bù gấp 3 lần số tiền sở y tế bỏ ra để đào tạo, hiện tại em đã làm được 1 năm theo sự phân công của sở y tế. Em không muốn tiếp tục làm nữa, em có phải đền chi phí đào tạo hay không? Nếu có thì số tiền em đền bù cho 4 năm còn lại được tính như thế nào.Mong nhận được sự giúp đỡ của văn phòng luật Minh gia. xin chân thành cám ơn.v

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn đến Luật Minh Gia, sau khi nghiên cứu trường hợp của bạn chúng tôi đưa ra nội dung tư vấn như sau:

Thứ nhất, về quy định của pháp luật về hợp đồng đào tạo

Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 6 Nghị định 101/2017/NĐ-CP thì một trong những điều kiện để viên chức được đi đào tọa sau đại học là Có cam kết thực hiện nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 02 lần thời gian đào tạo.

Trong một số trường hợp, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định tại Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP quy định về vấn đề đền bù chi phí đào tạo đối với viên chức:

"Điều 7. Đền bù chi phí đào tạo

Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.

2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.

3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này".

Khi viên chức được cử đi đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ thì hai bên phải ký hợp đồng đào tạo. Theo đó, nội dung hợp đồng đào tạo ngoài các điều khoản quy định về địa điểm, thời gian, tiền lương trong thời gian đào tạo thì còn có những điều khoản quy định về thời hạn cam kết phải làm việc sau khi đào taọ cũng như trách nhiệm của viên chức sau khi đã hoàn thành xong khóa đào tạo. Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì bạn và đơn vị của bạn là bệnh viện huyện có ký kết hợp đồng đào tạo với điều khoản sau khi tốt nghiệp phải về tỉnh nhà phục vụ 5 năm, nếu không nhận công việc thì bạn sẽ phải đền bù gấp 3 lần số tiền sở y tế bỏ ra để đào tạo. Vậy nên trong trường hợp bạn chưa làm việc đủ 05 năm cam kết sau khi đào tạo thì bạn sẽ phải bồi thường chi phí đào tạo cho bên đơn vị bệnh viện, tuy nhiên, mức bồi thường chi phí đào tạo pháp luật đã có quy định về cách xác định mà không phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên.

Thứ hai, về các xác định mức bồi thường chi phí đào tạo

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 101/2017/ NĐ-CP quy định về cách tính đền bù chi phí đào tạo

Điều 8. Chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù

1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).

2. Cách tính chi phí đền bù:

a) Đối với trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 7 Nghị định này, cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù;

b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này, chi phí đền bù được tính theo công thức sau:

S =

F

x (T1 - T2)

T1

Trong đó:

S là chi phí đền bù;

- F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;

- T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;

- T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.”

Dẫn chiếu quy định Khoản 3 Điều 7 Nghị định 101/2017/NĐ-CP

Điều 7. Đền bù chi phí đào tạo

“…

3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.”

Trong trường hợp này bạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết sau khi đào tạo. Vậy nên chi phí đền bù sẽ được xác định dựa trên tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học; thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn và thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.

Do bạn chưa cung cấp cho chúng tôi thông tin về tổng chi phí của khóa học nên chúng tôi chưa có căn cứ để tính cụ thể về chi phí đào tạo mà bạn phải đền bù. Bạn có thể tham khảo cách tính theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 101/2017/NĐ-CP phía trên để xác định chi phí đền bù của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo