Luật sư Phùng Gái

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu?

Câu hỏi tư vấn: Tôi có thời gian đóng BHXH bắt buộc theo mức đóng tiền lương của nhà nước là 26 năm. trong các thời gian đóng BHXH này tôi có thời gian trong quân đội và hưởng lương sĩ quan, còn các thời gian về sau thì hưởng lương theo thang bậc lương của nhà nước, nhưng mức lương bình quân 5 năm cuối để tính lương hưu thì lại thấp hơn mức lương sĩ quan thời gian trong quân đội.

 

Vậy kính mong các Luật sư tư vấn giúp tôi như vậy mức lương bình quân để tính lương hưu cho tôi thì lấy mức lương trong quân đội hay mức lương bình quân của năm cuối.

 

2. Tôi sinh tháng 01/ 1953 lẽ ra tháng 01/2014 là tôi được nghỉ hưu, nhưng do lý do khách quan là thời gian làm thủ tục hồ sơ cấp sổ BHXH cho tôi bị chậm ( việc chậm này do cơ quan bhxh) nên đến khi cấp sổ BHXH và giải quyết chế độ hưu cho tôi( tháng 12/2016) thì đã muộn mất gần 3 năm( 35 tháng). Vậy tôi xin nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi xem thời gian 35 tháng trên tôi có được truy lĩnh tiền lương hưu không, nếu được truy lĩnh thì phải làm như thế nào. Kính mong các Luật sư tư vấn giúp đỡ tôi. Tôi xin chân thành cảm ơn các Luật sư.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm để tính lương hưu. Cụ thể:

 

Điều 62. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần

 

1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương tháng của số năm đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu như sau:

 

a) Tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

 

b) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

 

c) Tham gia bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 08 năm cuối trước khi nghỉ hưu;

...

Đồng thời, Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số Điều Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cụ thể:

 

Điều 9. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần 

....
4. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên theo các mức tiền lương thuộc công việc sau đây chuyển sang làm công việc khác mà đóng bảo hiểm xã hội có mức lương thấp hơn thì khi nghỉ hưu được lấy mức lương cao nhất của công việc nêu tại Điểm a dưới đây hoặc mức tiền lương trước khi chuyển ngành tương ứng với số năm quy định tại Khoản 1 Điều này để tính mức bình quân tiền lương làm cơ sở tính hưởng lương hưu: 


 

a) Đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định; 

 

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quân đội nhân dân, sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân chuyển ngành làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định. 

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì do không cung cấp đầy đủ thông tin và quá trình và thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hưởng lương theo sĩ quan nên không đưa ra hướng tư vấn cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chia làm các trường hợp để bạn đối chiếu xác định mức tiền lương làm cơ sở tính chế độ hưu trí của mình:

 

+ Trường hợp 1: Bạn đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm theo mức tiền lương của Sĩ quan sau đó chuyển ngành làm việc hưởng lương theo thang bậc lương của nhà nước (mức lương thấp hơn) thì khi này sẽ áp dụng mức tiền lương trước khi chuyển ngành (Sĩ quan)  tương ứng với số năm tham gia đóng bảo hiểm để làm cơ sở tính lương hưu. Ví dụ: Bạn tham gia đóng bảo hiểm trước 1/1/1995 (hưởng lương Sĩ quan) đến năm 2010 chuyển làm việc hưởng lương theo thang bảng lương (thấp hơn mức lương Sĩ quan) thì sẽ áp dụng tiền lương trong thời gian hưởng lương Sĩ quan để xác định (cũng là tiền lương của 5 năm cuối nhưng là của 5 năm cuối trước khi chuyển ngành tức tiền lương từ năm 2005 - 2010).

 

+ Trường hợp 2: Thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hưởng lương sĩ quan chưa đủ 15 năm thì mức tiền lương bình quân làm cơ sở tính lương hưu sẽ căn cứ vào số năm đóng bảo hiểm trước khi nghỉ hưu. Tức nếu bạn tham gia đóng bảo hiểm từ trước 1/1/1995 thì dựa vào mức bình quân tiền lương của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

 

- Liên quan tới việc truy lĩnh tiền bảo hiểm xã hội: Trong trường hợp của bạn để được truy lĩnh tiền lương hưu tương ứng với thời gian 35 tháng mà bạn không được giải quyết chế độ hưu trí - tức đáng ra được hưởng từ tháng 1/2014 nhưng do thời gian làm thủ tục, hồ sơ cấp sổ bảo hiểm cho bạn bị chậm dẫn tới việc kéo dài thời gian giải quyết hưởng chế độ hưu trí đến tháng 12/2016 là rất khó vì căn cứ để truy thu không rõ ràng (lý do bị mất cấp lại hay cấp vì lý do nào khác vì còn liên quan tới quá trình xác minh...). Tuy nhiên, bạn vẫn có thể làm đơn khiếu nại gửi cơ quan bảo hiểm để có thể được xem xét giải quyết chế độ tương ứng với thời gian trước đó.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo