Cao Thị Hiền

Mua nhầm điện thoại giả giải quyết như thế nào?

kính gửi: luật minh gia . tôi có một trường hợp là tôi vừa mới mua một chiếc điện thoại giả vì tôi đọc được trên tờ quảng cáo là cửa hàng mới khai trương nên giảm giá ,trên tờ quảng cáo rõ ràng là chụp hình của chiếc galaxy E5 nhưng lúc mua tôi không để ý kỹ nhưng khi mua về tôi đã kiễm tra có nhiêu sự khác biệt và tôi đã đi kiễm tra thử thì người ta nói là hàng giả và tôi muốn nơi bán hoàn tiền lại nhưng họ không chịu trả lại tiền cho tôi vậy trong tình huống này tôi nên làm như thế nào?

 

Trả lời: Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia. Yêu cầu của bạn tôi tư vấn như sau:

 

Khi thực hiện hợp đồng mua bán chiếc điện thoại, thông thường, việc mua bán này cần phải có các giấy tờ như hóa đơn thanh toán, phiếu bảo hành điện thoại, kèm theo chiếc điện thoại là những thông số kĩ thuật của điện thoại, sách hướng dẫn sử dụng, các loại giấy tờ và link kiện khác có liên quan...

 

Do vậy, để đảm bảo chất lượng đối với bên mua của bên bán những giấy tờ nêu trên là hoàn toàn cần thiết được dùng để ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ của bên bán đối với chất lượng của hàng hóa là chiếc điện thoại.

 

Căn cứ Điều 445 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

 

“Điều 445. Bảo đảm chất lượng vật mua bán

 

1. Bên bán phải bảo đảm giá trị sử dụng hoặc các đặc tính của vật mua bán; nếu sau khi mua mà bên mua phát hiện khuyết tật làm mất giá trị hoặc giảm sút giá trị sử dụng của vật đã mua thì phải báo ngay cho bên bán khi phát hiện ra khuyết tật và có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi vật có khuyết tật lấy vật khác, giảm giá và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 

2. Bên bán phải bảo đảm vật bán phù hợp với sự mô tả trên bao bì, nhãn hiệu hàng hóa hoặc phù hợp với mẫu mà bên mua đã lựa chọn.

 

3. Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp sau đây:

 

a) Khuyết tật mà bên mua đã biết hoặc phải biết khi mua;

 

b) Vật bán đấu giá, vật bán ở cửa hàng đồ cũ;

 

c) Bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật.”

 

Như vậy,  nếu chiếc điện thoại bạn mua không đúng, không phù hợp với sự mô tả trong hóa đơn, hoặc các thông số kĩ thuật kèm theo chiếc điện thoại không đúng thì bạn có quyền yêu cầu bên bán sửa chữa, đổi lại chiếc điện thoại cho mình, giảm giả hoặc bồi thường thiệt hại cho bạn hoặc các thỏa thuận khác nếu hai bên có thỏa thuận.

 

Trường hợp ngay từ ban đầu, bên bán đã đưa ra các thông tin gian dối nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bạn thì hành vi của bên bán đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

 

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

 

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

 

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

...”

 

Và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bạn trong trường hợp này, bạn có thể tố giác hành vi phạm tội của cá nhân, tổ chức đã bán điện thoại cho bạn đến cơ quan điều tra công an quận, huyện nơi bạn hoặc người phạm tội cư trú.

 

Trân trọng!
CV Nông Lan – Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo