Mua bảo hiểm y tế ở đâu? Thủ tục mua BHYT thế nào?
Mục lục bài viết
1. Bảo hiểm y tế tự nguyện là gì
Bảo hiểm y tế tự nguyện hộ gia đình là loại hình bảo hiểm mà tất cả các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đều phải tham gia, ngoại trừ những cá nhân đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế khác, hoặc những thành viên đã thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng theo quy định pháp luật.
Hay nói cách khác, kể từ ngày 01/01/2016 trở đi (theo quy định trong Công văn 777/BHXH-BT ngày 12/3/2015), cá nhân nào muốn tham gia BHYT tự nguyện thì cần phải bắt buộc tham gia theo hộ gia đình, chứ không được tham gia BHYT riêng cho mình.
2. Lợi ích khi tham gia BHYT
Người tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện sẽ nhận được nhiều quyền lợi mà Điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung vào năm 2014 đã quy định. Cụ thể, tùy vào từng trường hợp khác nhau, các đối tượng khác nhau, BHYT sẽ chi trả mức chi phí khám chữa bệnh như sau:
Khám chữa bệnh đúng tuyến
- 100% chi phí khám chữa bệnh đối với nhóm đối tượng trẻ dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp BHXH mỗi tháng; người có công với Cách mạng - Công an; thân nhân có công với Cách mạng; người thuộc hộ gia đình nghèo; dân tộc thiểu số (sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn); những người đang sống ở xã đảo, huyện đảo; người tham gia BHYT 5 năm liên tục cùng với số tiền đã được chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
- 95% chi phí khám chữa bệnh đối với những người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động mỗi tháng; và thân nhân của người có công với Cách mạng.
- 80% chi phí khám chữa bệnh đối với các đối tượng khác
Khám chữa bệnh trái tuyến
- 40% chi phí khám chữa bệnh cho người tham gia BHYT tự nguyện đối với chi phí điều trị nội trú trong trường hợp chữa khám bệnh tại Bệnh viện thuộc tuyến trung ương
- 100% chi phí điều trị nội trú với trường hợp khám chữa bệnh tại Bệnh viên tuyến tỉnh trên cả nước (áp dụng kể từ ngày 01/01/2021)
- 100% chi phí khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện (từ ngày 1/1/2016)
Trường hợp người tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục trở lên, được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi khi có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở
Ngoài ra, đối với người sống tại huyện đảo, xã đảo; người thuộc hộ nghèo (sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn); dân tộc thiểu số và nhất là đối tượng gặp nhiều khó khăn trong việc đi khám không đúng tuyến thì vẫn nhận được mức hưởng theo chế độ đúng tuyến.
3. Nơi mua BHYT
Theo quy định, người dân có thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện tại những địa chỉ được cơ quan Nhà nước quy định như cơ quan Bảo hiểm xã hội xã - phường - thị trấn nơi cư trú và đại lý thu BHXH. Việc thanh toán tiền phí nộp BHYT hộ gia đình sẽ thực hiện tại Đại lý thu hoặc nộp cho cơ quan BHXH theo phương thức đã đăng ký hoặc qua ngân hàng/hệ thống tiện ích thông minh.
Về số tiền mua BHYT, tùy theo số lượng thành viên trong hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện mà số tiền đóng khác nhau, cụ thể là mức phí mua BHYT tự nguyện sẽ được tính trên tỷ lệ phần trăm của lương cơ sở (khoảng 1.490.000 VND theo nghị định 38/2019/NĐ-CP).
Cụ thể, theo Khoản 3 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng của từng người trong hộ gia đình được tính như sau:
- Người thứ 1 đóng phí mua BHYT tự nguyện bằng 4.5% lương cơ sở.
- Người thứ 2 đóng phí mua BHYT tự nguyện bằng 70% mức phí người thứ 1.
- Người thứ 3 đóng phí mua BHYT tự nguyện bằng 60% mức phí người thứ 1.
- Người thứ 4 đóng phí mua BHYT tự nguyện bằng 50% mức phí người thứ 1.
Ngoài ra, từ người thứ năm trở đi đóng phí mua BHYT tự nguyện bằng 40% mức đóng của người thứ 1.
Lưu ý: Việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh từ người thứ 2 trở đi chỉ được áp dụng khi các thành viên tham gia BHYT theo hộ gia đình trong năm tài chính.
4. Trình tự, thủ tục mua BHYT
Hồ sơ cần chuẩn bị:
- Sổ hộ khẩu (bản chính).
- Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế theo Mẫu TK1-TS của Quyết định 888/QĐ-BHXH 2018.
- Thẻ BHYT (bản photo) của những thành viên có trong sổ hộ khẩu.
Cách thức mua BHYT:
Sau khi đã chuẩn bị giấy tờ đầy đủ, người dân có thể tiến hành thủ tục mua BHYT tự nguyện theo 1 trong 3 hình thức sau đây đều được:
Cách 1: Mua trực tiếp
Mang hồ sơ đến Đại lý thu mua bảo hiểm hoặc Cơ quan Bảo hiểm xã hội xã/phường/thị trấn nơi cư trú để tiến hành nộp hồ sơ theo đúng quy định. Sau đó, người dân đóng tiền phí bảo hiểm và nhận giấy hẹn từ cơ quan về thời gian đến lấy thẻ BHYT.
Người dân có thể nhận được thẻ BHYT trong thời hạn 5 ngày kể từ khi nộp hồ sơ đăng ký hợp lệ, đối với người trợ cấp thất nghiệp thì không quá 2 ngày.
Cách 2: Mua BHYT qua dịch vụ bưu chính
Ngoài 2 cách trên, người dân có thể chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và gửi qua dịch vụ bưu chính đến Cơ quan Bảo hiểm xã hội xã/phường/thị trấn nơi cư trú. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan sẽ liên hệ lại để trao đổi hình thức thanh toán và hẹn ngày đến lấy thẻ BHYT.
Ngoài ra, hiện tại BHXH Việt Nam chưa triển khai hình thức đăng ký mua BHYT tự nguyện qua online. Tuy nhiên, người dân có thể gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình qua Cổng Dịch vụ công quốc gia như sau:
Bước 1: Truy cập trang Cổng Dịch vụ công > Nhấp chọn vào kí hiệu 3 gạch nằm phía bên phải phía trên màn hình, chọn Thanh toán trực tuyến > Chọn Đóng BHXH tự nguyện và BHYT tự nguyện theo hộ gia đình.
Bước 2: Chọn Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình và làm theo hướng dẫn.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất