Lại Thị Nhật Lệ

Môi giới là gì theo quy định pháp luật?

Kinh tế xã hội ngày một phát triển và kéo theo việc hình thành các quan hệ xã hội khác nhau, trong đó quan hệ giữa các thương nhân với nhau và với các chủ thể khác được thể hiện rất đa dạng. Có thể kể đến như những mối quan hệ rất phổ biến như ủy thác thương mại, đại lý thương mại, môi giới thương mại,…Trong đó môi giới thương mại ngày càng được sử dụng rộng rãi do tính chất ưu việt của nó. Để tìm hiểu thêm về những quy định của pháp luật về môi giới trong thương mại các bạn có thể tham khảo bài viết sau của Luật Minh Gia.

1. Môi giới là gì theo quy định của pháp luật

Theo Từ điển Tiếng Việt xuất bản năm 1997 thì môi giới được hiểu là người trung gian để cho hai bên tiếp xúc, giao thiệp với nhau. Còn theo quy định tại Điều 150 Luật Thương mại 2005 thì môi giới thương mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.

2. Đặc điểm của môi giới thương mại theo quy định của pháp luật

- Về chủ thể:

Chủ thể của quan hệ môi giới thương mại bao gồm bên môi giới và bên được môi giới, trong đó bên môi giới phải là thương nhân, có đăng ký kinh doanh để thực hiện dịch vụ môi giới thương mại và không nhất thiết phải có ngành nghề đăng ký kinh doanh trùng với ngành nghề kinh doanh của các bên môi giới.

Trong hoạt động môi giới thương mại, không phải tất cả các bên được môi giới đều có quan hệ môi giới thương mại với bên môi giới mà chỉ bên được môi giới đều có quan hệ môi giới thương mại với bên môi giới mà chỉ bên được môi giới nào ký hợp đồng môi giới với bên môi giới thì giữa họ mới phát sinh quan hệ môi giới thương mại.

Khi sử dụng dịch vụ môi giới thương mại, bên môi giới nhân danh chính mình để quan hệ với các bên được môi giới và làm nhiệm vụ giới thiệu các bên được môi giới với nhau. Sau đó, các bên được môi giới trực tiếp giao kết hợp đồng với nhau. Nếu họ thay mặt bên được môi giới ký hợp đồng với khách hàng thì họ sẽ trở thành bên đại diện không đúng thẩm quyền của bên được môi giới. Trong trường hợp này, bên môi giới hành động với tư cách của bên đại điện

- Về nội dung hoạt động môi giới thương mại

Nôi dung của hoạt động môi giới rất rộng, bao gồm nhiều hoạt động như tìm kiếm và cung cấp các thông tin cần thiết về đối tác cho bên được môi giới, tiến hành các hoạt động giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ cần môi giới, thu xếp để các bên được môi giới tiếp xúc với nhau, giúp đỡ các bên được môi giới soạn thảo văn bản hợp đồng khi có yêu cầu. Mục đích của hoạt động môi giới là các bên được môi giới giao kết hợp đồng với nhau. Môi giới thương mại là một hoạt động kinh doanh thuần túy. Mục đích của bên môi giới thương mại khi thực hiện viêc môi giới là tìm kiếm lợi nhuận. Bên môi giới thông thường được hưởng thù lao khi các bên được môi giới đã giao kết hợp đồng với nhau.

- Về phạm vi của môi giới thương mại

Môi giới thương mại bao gồm tất cả các hoạt động môi giới có mục đích kiếm lợi như môi giới mua hàng hóa, môi giới bảo hiểm, môi giới bất động sản,…Phạm vi của môi giới thương mại được mở rộng không chỉ bao gồm những hoạt động môi giới mua, bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ thương mại liên quan đến mua bán hàng hóa.

- Về hợp đồng môi giới thương mại

Hợp đồng môi giới được giao kết giữa bên môi giới và bên được môi giới, bên môi giới phải là thương nhân còn bên được môi giới không nhất thiết phải là thương nhân (pháp luật không có quy định về điều kiện các bên được môi giới). Đối tượng của hợp đồng môi giới chính là công việc môi giới nhằm chắp nối quan hệ giữa các bên được môi giới với nhau.

Khi giao kết hợp đồng môi giới thương mại các bên nếu thỏa thuận những điều, khoản về nội dung cụ thể của việc môi giới, mức thù lao mà bên môi giới sẽ được nhận, thời hạn thực hiện hợp đồng môi giới, quyền và nghĩa vụ của các bên, trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ hợp đồng môi giới.

3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ môi giới thương mại

* Với bên môi giới thương mại

- Quyền của bên môi giới thương mại: quyền hưởng thù lao môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới đã ký hợp đồng với nhau.

- Nghĩa vụ của bên môi giới thương mại:

+ Bảo quản các mẫu hàng hoá, tài liệu được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới;

+ Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên được môi giới;

 + Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ;

+ Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của bên được môi giới.

* Với bên được môi giới

- Nghĩa vụ của bên được môi giới

+ Cung cấp các thông tin, tài liệu, phương tiện cần thiết liên quan đến hàng hóa, dịch vụ

+ Trả thù lao môi giới và các chi phí khác cho bên môi giới

- Quyền của bên được môi giới:

+ Yêu cầu bên môi giới bảo quản các mẫu hàng hóa, tài liệu đã được giao để thực hiện việc môi giới và phải hoàn trả cho bên được môi giới sau khi hoàn thành việc môi giới.

+ Yêu cầu bên môi giới không tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của mình.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn