Phạm Diệu

Miễn nhiệm là gì? Khi nào áp dụng miễn nhiệm?

Miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức được hiểu là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Tuy nhiên, đối với cán bộ hoặc công chức thì pháp luật quy định các trường hợp miễn nhiệm khác nhau, trong phạm vi bài viết này Luật Minh Gia sẽ đưa ra và phân tích các trường hợp miễn nhiệm cụ thể.

1. Miễn nhiệm là gì? Khi nào áp dụng miễn nhiệm?

Sau khi được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh trong các cơ quan nhà nước thì cán bộ, công chức có thể được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều động, luân chuyển hoặc miễn nhiệm căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và quy hoạch cán bộ, công chức trên cơ sở những điều kiện do pháp luật quy định. Ngay sau khi được tuyển dụng, cán bộ và công chức được sử dụng dưới các hình thức như: điều đồng, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý, luân chuyển, biệt phái hay miễn nhiệm.

Miễn nhiệm là vấn đề thường gặp và được cán bộ, công chức hết sức quan tâm. Căn cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật cán bộ, công chức 2008 thì “miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.”.

Các trường hợp miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức được quy định cụ thể như sau:

Đối với cán bộ, căn cứ theo quy định tại Điều 30 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định các trường hợp cán bộ xin miễn nhiệm như sau:

- Không đủ sức khỏe;

- Không đủ năng lực, uy tín;

- Theo yêu cầu nhiệm vụ;

- Vì lý do khác.

Ngoài các trường hợp cán bộ xin thôi miễn nhiệm theo quy định trên thì tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức năm 2019 quy định về việc cán bộ bị cho miễn nhiệm, thôi làm nhiệm vụ trong trường hợp: Cán bộ có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Đối với công chức, căn cứ tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

- Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;

- Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;

- Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;

- Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

Như vậy, công chức lãnh đạo, quản lý sau khi từ chức hoặc miễn nhiệm được bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo hoặc nghỉ hưu, thôi việc. Đồng thời, công chức lãnh đạo, quản lý xin từ chức hoặc miễn nhiệm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức sau khi miễn nhiệm

- Đối với cán bộ, sau khi có quyết định miễn nhiệm sẽ chấm dứt chức vụ đang thực hiện, trường hợp chưa có quyết định miễn nhiệm thì cán bộ vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, sau khi miễn nhiệm, cán bộ sẽ được xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ và trình độ, năng lực, sức khỏe của cán bộ.

- Đối với công chức, quy định tại Điều 68 Nghị định 138/2020/NĐ-CP như sau:

+ Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi có quyết định từ chức được bố trí công tác phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo phù hợp với vị trí việc làm; được bảo lưu phụ cấp chức vụ theo quy định hiện hành đến hết thời hạn giữ chức vụ.

+ Công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm không được hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.

+ Sau khi từ chức, miễn nhiệm nếu công chức tự nguyện xin nghỉ hưu, nghỉ việc thì được giải quyết theo quy định hiện hành.

+ Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công chức:

Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định của Đảng, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo;

Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo thì các tổ chức, cá nhân có liên quan phải thi hành quyết định miễn nhiệm của cấp có thẩm quyền;

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có đủ cơ sở kết luận việc miễn nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý là sai thì cấp có thẩm quyền phải có quyết định bố trí lại chức vụ và giải quyết các quyền lợi hợp pháp liên quan đến chức vụ cũ của công chức.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo