Mẫu Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động
Mục lục bài viết
1. Tư vấn về chấm dứt hợp đồng lao động
Theo quy định của pháp luật lao động, có rất nhiều lý do để người sử dụng lao động chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động với người lao động như: người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 Bộ luật lao động 2012; người lao động chết, mất tích hoặc được Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự; người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án; người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải…
Khi phát sinh các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động cần phải thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn tất thủ tục chấm dứt hợp đồng với người lao động. Một trong các thủ tục cần có đó là ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động.
Nếu quý khách hàng đang gặp vướng mắc về việc ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động thì có thể liên hệ với công ty Luật Minh Gia để được chúng tôi hỗ trợ tư vấn cụ thể trường hợp của mình.
Hoặc quý khách hàng có thể tham khảo mẫu quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của công ty Luật Minh Gia theo mẫu dưới đây:
2. Mẫu quyết định chấm dứt hợp đồng lao động
Tư vấn và hướng dẫn về Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động
Mẫu Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, quý khách hàng cần tìm hiểu và nghiên cứu quy định pháp luật liên quan hoặc tham khảo ý kiến luật sư trước khi áp dụng vào thực tế.
------------
CÔNG TY CP/TNHH ABCD ***
Số: ___/2012/QĐ-ABCD |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc --------o0o-------- Địa danh, ngày ___ tháng __ năm |
QUYẾT ĐỊNH
VV: Chấm dứt hợp đồng lao động
--------------
GIÁM ĐỐC/TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CP/TNHH ABCD
- Căn cứ Bộ luật lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được sửa đổi, bổ sung năm 2002;
- Căn cứ Hợp đồng lao động số…………………….;
- Căn cứ Quyết định …………………………………;
- Căn cứ Quyết định xử lý vi phạm/bản án số của ………, đối với Ông Nguyễn Văn A;
- Theo đề nghị của Phòng Tổ chức & Nhân sự.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay chấm dứt hợp đồng lao động với Ông Nguyễn Văn A, là cán bộ/công nhân viên thuộc phòng …….;
Lý do: (Bị xử lý vi phạm hoặc bị kết án theo quyết định của tòa án, hết thời gian theo Hợp đồng lao động đã ký mà không gia hạn…)……;
....................................................................
....................................................................
Kể từ ngày ___/___/___
Điều 2: Lương và các khoản phụ cấp (nếu có) của Ông Nguyễn Văn A được chi trả tính đến ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Điều 3: Các Ông (bà) Trưởng phòng Tổ chức & Nhân sự, trưởng các Phòng Ban liên quan và Ông Nguyễn Văn A căn cứ quyết định thi hành.
Nơi nhận: - Cá nhân Ông Nguyễn Văn A; - Công đoàn Công ty; - Phòng TC & NS; - P21 (Đăng tin); - Lưu VP, HS |
GIÁM ĐỐC/TỔNG GIÁM ĐỐC
NGUYỄN VĂN B |
3. Tham khảo tình huống tư vấn chấm dứt hợp đồng lao động
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động quy định thế nào?
Câu hỏi:
Xin chào Luật sư , Xin luật sư tư vấn giúp em về vấn đề công ty không trả lương và cố tình không trả sổ bảo hiểm xã hội . Em xin trình bày lại vấn đề như sau : Em vào công ty XV làm được 1 năm ( tính từ khi thử việc đến khi thôi viêc ), sau 4 tháng thử việc thì em được công ty đóng bảo hiểm xã hội , lúc đó em có nạp sổ bảo hiểm vào cho công ty .1 năm làm việc tại công ty em không được bất kỳ 1 hợp đồng lao động nào . do công việc quá áp lực và cấp trên thường xuyên la mắn nên e đã xin thôi việc từ tháng 07/2017 , giám đốc công ty đã chấp nhận đơn thôi việc , tuy nhiên tiền lương tháng 07/2017 cty nói 45 ngày sau sẽ giải quyết , sau 45 ngày em có viết mail xin giám đốc công ty giải quyết => cho đến nay tiền lương cùng sổ BHXH em chưa nhân lại được vì cty cố tình không trả .Xin luật sư tư vấn giúp :1/ Cty nói e vi phạm hợp đồng lao động vì không báo trước 45 ngày => sẽ kiện em vì vi phạm hợp đồng 2/ Cty không trả lại sổ BHXH + tiền lương tháng 07 -> đên nay đã 5 tháng LÀ ĐÚNG HAY SAI ??? và xin luật sư tứ vấn giúp hướng giải quyết Xin cảm ơn luật sư và mong nhận được thông tin tư vấn từ luật sư
Trả lời tư vấn:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia! Trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Điều 37, Bộ luật Lao động 2012 quy định về các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong đó quy định về thời gian báo trước như sau:
“2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 156 của Bộ luật này”
Như bạn có đề cập thì bạn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với công ty mà không báo trước theo thời hạn tương ứng với từng loại hợp đồng đã nêu ở trên. Theo đó, bạn đã vi phạm nghĩa vụ báo trước và việc công ty yêu cầu khởi kiện bạn là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật. Việc bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng không đáp ứng được thời hạn báo trước thì sẽ được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật và theo quy định tại Điều 43, Bộ luật Lao động 2012 thì có thể bị xử phạt như sau:
“1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này."
Tiếp theo là vấn đề công ty không trả cho bạn sổ BHXH và không trả tiền lương tháng 7/2017 cho bạn thì theo quy định tại Điều 18, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động có các quyền sau:
“1. Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
2. Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
3. Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời…”
Theo quy định Khoản 5, Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động có trách nhiệm sau:
“5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.”
Căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, kể cả trường hợp người lao động nghỉ việc mà vi phạm nghĩa vụ báo trước thì bắt buộc công ty cũng phải trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Khi đã chốt sổ BHXH nhưng công ty không trả sổ BHXH cho người lao động là trái với quy định của pháp luật về BHXH.
Bên cạnh đó, Điều 95, Bộ luật Lao động 2012 quy định về nguyên tắc trả lương như sau:
“Điều 96. Nguyên tắc trả lương
Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương”
Theo đó, đã 45 ngày mà công ty chưa trả lương cho bạn là vi phạm nguyên tắc này.
Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể gửi khiếu nại lần đầu để khiếu nại lại quyết định từ phía công ty theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 119/2014/NĐ-CP:
“Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân dạy nghề; tổ chức, cá nhân đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 15, Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 17 Nghị định này.”
Sau đó, nếu phía công ty không có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lí hoặc bạn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của công ty thì bạn có thể gửi khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh để yêu cầu giải quyết khiếu nại theo quy định tại Khoản 2, Điều 15, Nghị định 119/2014/NĐ-CP:
“Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 19 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.”
Hơn thế nữa, theo quy định tại tại Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”. Như vậy, nếu bạn muốn khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì bạn có thể tự mình hoặc nhờ người đại diện hợp pháp của mình khởi kiện.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất