Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Mẫu di chúc thừa kế có người làm chứng

Luật Minh Gia cung cấp mẫu Mẫu di chúc thừa kế có người làm chứng về việc để lại nhà đất theo quy định pháp luật bao gồm các thôn tin cơ bản như sau để người dùng tìm hiểu, tham khảo:

1. Nội dung mẫu di chúc có người làm chứng

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

DI CHÚC

Hôm nay, ngày … tháng … năm 20... trước sự chứng kiến của hai người làm chứng có tên dưới đây:

Người làm chứng thứ nhất:  …, sinh năm 19…, CMND số 0… do Công an Hà Nội cấp ngày , hộ khẩu thường trú tại: …, phố , phường , quận , thành phố Hà Nội.

Người làm chứng thứ hai:  …, sinh năm 19…, CMND số 0… do Công an Hà Nội cấp ngày , hộ khẩu thường trú tại: …, phố , phường , quận , thành phố Hà Nội.

Tôi là:         Trịnh Thị MT                     Sinh năm: 19….

CMND số:  ………………

Ngày cấp:    …../…20…                      Nơi cấp: Công an thành phố ………

Hộ khẩu thường trú tại: Số …

Hiện tuổi tôi đã cao nhưng sức khoẻ vẫn bình thường, tinh thần vẫn minh mẫn. Tuy nhiên, ở vào tuổi của tôi, chỉ có thể biết được “bệnh”, chứ không thể biết được “mệnh” của mình. Vì vậy, tôi lập sẵn Bản di chúc này, phòng khi tôi qua đời, căn dặn đôi điều để các con, cháu tôi thực hiện.

Tôi và chồng tôi là ông VD, sinh năm 19…. (đã mất năm 19…..), sinh được 03 người con là VTG, VD và VDA. Người con trai VDA đã kết hôn với chị VTNH và có hai con là VHN và VHC. Kể từ thời điểm chồng tôi mất, gia đình chúng tôi vẫn chưa thực hiện việc chia di sản thừa kế đối với phần di sản mà chồng tôi để lại.

Vào ngày …/…/19…, chồng tôi đại diện các thành viên trong gia đình gồm: TTMT, VTG, VD, VTNH, VHN, VHC, VD có giao kết hợp đồng thuê nhà ở với Công ty kinh doanh nhà số I. Đối tượng của hợp đồng thuê nhà ở là Nhà số …., Dãy ….., Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội, với diện tích sử dụng ghi trong hợp đồng là ….. m2, diện tích sử dụng ngoài hợp đồng thuê là ….. m2. Thời hạn cho thuê từ …./…/19…. đến ngày …./…./19….. Hợp đồng thuê nhà ở này được gia hạn ba lần vào các năm 1996, 1999 và 2002. Kể từ sau lần gia hạn hợp đồng gần đây nhất, hợp đồng thuê nhà ở này có thời hạn đến ngày 31/12/2004.

Nếu mai này tôi qua đời, tôi sẽ chuyển toàn bộ tài sản của tôi cho cháu nội tôi là anh VHN (Sinh ngày …/…/19… – CMND số: ….., do Công an thành phố …. cấp ngày …../…/20… - Hộ khẩu thường trú: Số ….,. Khối tài sản này bao gồm:

+ Quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt, hưởng quyền bồi thường khi nhà nước thu hồi, quyền thế chấp và các quyền khác theo quy định của pháp luật của bên thuê đối với căn nhà số ….,.

+ Quyền thừa kế của tôi đối với di sản mà chồng tôi là ông VD để lại, trong đó có bao gồm quyền tài sản mà tôi được nhận của chồng tôi từ hợp đồng thuê nhà ở đã được xác lập với Công ty kinh doanh nhà số I vào ngày 14/12/1994.

Di chúc này có hiệu lực về phân chia thừa kế tài sản của tôi sau khi tôi đã qua đời, tôi mong các con và cháu thực hiện đúng ý nguyện của tôi.

Bản di chúc này do tôi lập và có sự chứng kiến của hai người làm chứng là …. và ...

NGƯỜI LẬP DI CHÚC

(ký tên)

XÁC NHẬN CỦA NGƯỜI  LÀM CHỨNG

NGƯỜI  LÀM CHỨNG THỨ  NHẤT:

NGƯỜI  LÀM CHỨNG THỨ HAI:

---------

2. Đất chưa có sổ đỏ có được lập di chúc không?

Câu hỏi:

Xin chào luật sư, con xin hỏi luật sư là: Ông con đang muốn để lại mảnh đất nhà thờ cho anh con là cháu đích tôn nhưng hiện tại mảnh đất đó không thể làm sổ đỏ do cơ quan chính quyền bảo là làm nhà trái phép. Vậy cho con hỏi là ông con có thể làm di chúc khi không có sổ đỏ được không,nếu không cho con xin phương án khác với được không ạ? Con xin chân thành cảm ơn. Mong luật sư sớm trả lời con.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định tại Bộ luật dân sự Về quyền thừa kế của cá nhân thì: “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luât.”

Căn cứ Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đấtnhư sau:

“1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

…”

Như vậy, căn cứ theo quy định này thì thửa đất của gia đình bạn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy ông bạn chưa đủ điều kiện để lập di chúc có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm này. Tuy nhiên thì ông của bạn có thể lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng hoặc di chúc bằng văn bản có ngươi làm chứng theo quy định tại Điều 633 và 634 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

“ Điều 633. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này.

Điều 634. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này”.

Từ những qui định trên cho thấy việc lập di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân người để lại tài sản cho người khác trước khi chết. Do đó, ông của bạn có thể chỉ định người thừa kế, phân định tài sản của mình theo ý chí, nguyện vọng của mình cho anh trai bạn.

Về hình thức của di chúc thì di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Ông của bạn có thể lập di chúc theo các cách sau:

- Cách 1: Ông của bạn có thể lập di chúc bằng văn bản (viết tay hoặc đánh máy) nhưng phải có ít nhất 2 người làm chứng. Người lập di chúc phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

- Cách 2: Ông bạn tự viết di chúc bằng tay và ký vào bản di chúc (không cần người làm chứng).

Ông bạn có thể lựa chọn 1 trong hai cách trên để lập di chúc để lại tài sản cho người khác trước khi mất đối với phần diện tích chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo