Đinh Thị Minh Nguyệt

Lương gross là gì theo quy định?

Đối với người lao động, và đặc biệt phải kể đến lao động mới bắt đầu đi làm, thì vấn đề được quan tâm hàng đầu luôn là mức lương, các khoản trợ cấp, phụ cấp nhận được. Thuật ngữ lương gross không còn quá xa lạ với mỗi chúng ta, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều người thực sự chưa hiểu đúng nghĩa cũng như còn nhầm lẫn giữa các khái niệm với nhau, điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Để tìm hiểu cụ thể vấn đề này, quý bạn đọc có thể theo dõi bài viết dưới đây của công ty Luật Minh Gia.

1. Lương gross là gì?

Hiện nay, khái niệm lương gross vẫn chưa được quy định cụ thể trong bất kỳ một văn bản pháp luật nào, tuy nhiên thuật ngữ này được dùng tương đối phổ biển trong lĩnh vực kinh tế khi các doanh nghiệp thỏa thuận về lương với người lao động. .

Lương Gross có thể được hiểu là tổng thu nhập người lao động được nhận bao gồm các khoản:

+ Lương cơ bản

+ Các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng… trong đó có cả các khoản đóng bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân.

Do đó, người lao động nhận lương gross sẽ phải trích ra % tiền đóng các khoản bảo hiểm xã hội và thuế thu nhập cá nhân.

Với lương gross thì số lương thực nhận sẽ ít hơn so với tổng mức lương được ký trên hợp đồng lao động của nhà tuyển dụng với người lao động trước đó, người lao động sẽ không được nhận toàn bộ số lương mà số lương thực tế được nhận sẽ là số lương sau khi đã được trừ đi các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay thuế thu nhập cá nhân (nếu có).

2. Cách tính lương thực nhận khi biết lương gross

Lương thực nhận của người lao động hay còn được gọi là lương net. Đối với lương net, khoản lương hàng tháng nhận được sẽ bằng với mức lương được ghi trên hợp đồng lao động giữa người lao động và nhà tuyển dụng đã thống nhất và ký kết trước đó, đồng thời cũng sẽ không phải bị khấu trừ thêm bất kỳ khoản phí nào khác giống như lương gross.

Theo đó, lương thực nhận được tính theo công thức như sau:

Lương Net = Lương Gross - Tiền đóng bảo hiểm bắt buộc - Thuế Thu nhập cá nhân (nếu có)

Trong đó, căn cứ theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH mức đóng bảo hiểm của người lao động được quy định như sau:

- Bảo hiểm xã hội: 8%

- Bảo hiểm y tế: 1,5%

- Bảo hiểm thất nghiệp: 1%

Thuế Thu nhập cá nhân = (Tổng thu nhập - Các khoản được miễn - Khoản giảm trừ) x Thuế suất

Lưu ý: Thuế thu nhập cá nhân tùy vào từng trường hợp mà mức đóng của người lao động sẽ không giống nhau. Nếu không phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì lương thực nhận của người lao động sẽ cao hơn.

Ví dụ: Với mức lương mà người lao động nhận được khi làm ở công ty là 10 triệu đồng/tháng, thì theo đó người lao động phải trích ra 10,5% mức lương, bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Như vậy, số tiền thực nhận mà người lao động nhận được là 8.950.000 đồng/tháng.

3. Một số lưu ý khi nhận lương gross

Người lao động khi nhận lương gross sẽ có thể chủ động hơn trong việc tính toán lương thực nhận của mình và từ đó đảm bảo được các quyền lợi khi hưởng bảo hiểm, cũng như đóng thuế. Với việc chọn nhận lương gross, người lao động cần lưu ý một số điều như sau:

Thứ nhất, mức lương đóng bảo hiểm xã hội sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động trong trường hợp được chi trả khi ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, vì vậy cần phải dành thời gian tính toán chính xác để không gặp bất kỳ sai lệch nào cho từng khoản tiền mà mình phải đóng. Đồng thời, người lao động cần thường xuyên kiểm tra xem doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội cho mình theo đúng mức lương gross hay không để có thể yêu cầu họ thực hiện theo đúng quy định.

Thứ hai, tùy vào từng thời điểm mà tỷ lệ đóng bảo hiểm và mức giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân có thể sẽ bị thay đổi theo. Do đó, người lao động cần thường xuyên kiểm tra và cập nhật sự thay đổi, bổ sung của quy định pháp luật liên quan đến chính sách, chi phí thuế, các loại bảo hiểm, lệ phí để không bị ảnh hưởng về số tiền thực nhận.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo