Luật sư tư vấn về việc rút hồ sơ xuất khẩu lao động
Câu hỏi: Chào luật sư, tôi có tham gia chương trình xuất khảo lao động của 1 công ty tôi đã đặt cọc 10 triêu + nộp bằng gốc+ bảng điểm gốc tất cả đều không có giấy tờ. Nhưng gần đây tôi tìm thấy thông tin công ty này làm ăn không theo đúng quy định của pháp luật và tôi quyết định rút hồ sơ, đúng lúc này thì họ thông báo đã làm xong thủ tục nhập cư và yêu cầu tôi nộp nốt rồi làm visa, tôi yêu cầu rút hồ sơ nhưng họ ko đông ý. Bây giờ tôi muốn lấy lại bằng với bảng điểm gốc phải làm thế nào? Xin cảm ơn luật sư.
Công ty luật Minh Gia tư vấn cho bạn như sau:
Theo quy định tại Điểm c Tiểu mục 1 Mục 5 Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hộihướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì:
“Doanh nghiệp dịch vụ phải cam kết với người lao động về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài.
Trong thời gian doanh nghiệp dịch vụ đã cam kết, nếu người lao động không có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nữa thì doanh nghiệp dịch vụ phải trả lại hồ sơ cho người lao động và người lao động phải chịu các khoản chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ đã chi (nếu có) để làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, gồm: chi phí làm hồ sơ, khám sức khỏe, học phí bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí tài liệu học tập, ăn, ở trong thời gian đào tạo bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục nhập cảnh (visa)” .
Như vậy, việc bạn yêu cầu rút hồ sơ là hoàn toàn hợp pháp, tuy nhiên, bạn phải chịu các khoản chi phí (nếu có) mà Công ty đã chi để làm thủ tục cho bạn.
Khi rút Hồ sơ, bạn được quyền nhận lại những giấy tờ tài liệu mà mình đã giao cho Công ty.
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 27 của Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006 và Điểm a Tiểu mục 2 Mục V Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH thì “a) Doanh nghiệp dịch vụ ký hợp đồng với người lao động ít nhất năm ngày trước khi người lao động xuất cảnh và chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ của người lao động”. Như vậy, việc bạn chưa kí HĐ với công ty không có nghĩa là bạn không được pháp luật bảo vệ.
Do đó, theo chúng tôi trước hết bạn nên tới Công ty yêu cầu được nhận lại các Giấy tờ, tài liệu của mình. Nếu Công ty kiên quyết không trả, bạn có quyền làm đơn khiếu nại tới Sở lao động thương binh và xã hội nơi Công ty có trụ sở chính hoặc bạn có quyền Khởi kiện ra Tòa án nhân dân yêu cầu giải quyết.
Trân trọng.
P. Luật sư tư vấn - Công ty luật Minh Gia
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất