Vũ Thanh Thủy

Luật sư tư vấn trường hợp bị công ty sa thải vô căn cứ

Nội dung câu hỏi: Kính gửi công ty Luật Minh Gia.Tôi làm việc cho công ty TNHH V đến nay là Hợp đồng lao động vô thời hạn. Nhưng từ ngày 02-06-2016 công ty đã tự ý tháo và di dời hết trang thiết bị làm việc của tôi, không cho tôi làm việc. Ép buộc tôi ký 03 bản cảnh cáo vô lý trong khi tôi không có lỗi. Sau đó ép tôi giảm lương 30% không có lý do. Đến ngày 08-06-2016 sa thải tôi nhưng không có quyết định hay thông báo bằng văn bản.

 

Lý do sa thải tôi toàn vu khống và không đủ căn cứ, không gây thiệt hại gì đến vất chất, tài chính, kinh doanh của công ty. Tôi đã nhờ sự can thiệp của Liên đoàn lao động và phòng Lao động thương binh xã hội sở tại. Nhưng không có kết quả như mong đợi. Công ty này có tới hơn 700 công nhân nhưng không có công đoàn, không có bảng nội quy. Vậy tôi rất mong quý công ty tư vấn sớm nhất giúp tôi áp dụng khoản nào, mục nào, luật nào,...  để tôi có phương hướng giải quyết vấn đề. Từ ngày 09-06 -2016 đến nay tôi không được vào công ty nhưng cũng không có bất kỳ động thái nào từ phía công ty. Rất mệt mỏi và không có thời gian để đi xin việc. mong quý công ty xem xét tư vấn giúp tôi quy định pháp luật liên quan. Tôi xin cảm ơn!

 

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi xin tư vấn đối với trường hợp của bạn như sau:

 

Một quyết định sa thải được coi là đúng pháp luật khi quyết định đó có căn cứ pháp lý và được thực hiện theo trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật:

 

Thứ nhất, về căn cứ áp dụng hình thức kỷ luật sa thải

 

Theo quy định của pháp luật thì cơ sở để xử lý kỷ luật NLĐ là có hành vi vi phạm kỷ luật lao động và lỗi của người vi phạm. Hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động được hiểu là hành vi của NLĐ vi phạm các nghĩa vụ lao động được quy định trong nội quy lao động. Theo quy định tại Điều 126 BLLĐ năm 2012, NSDLĐ chỉ được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với NLĐ có một trong các hành vi sau đây và đã được quy định trong nội quy lao động:

 

- NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của NSDLĐ, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của NSDLĐ;

 

- NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.

 

- NLĐ tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng. Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân NLĐ bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

 

Thứ hai, về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải

 

Điều 31, Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định trình tự xử lý kỷ luật lao động tại Điều 123 của Bộ luật Lao động: “1. Người sử dụng lao động gửi thông báo bằng văn bản về việc tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật lao động cho Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn cấp trên cơ sở nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người lao động dưới 18 tuổi ít nhất 5 ngày làm việc trước khi tiến hành cuộc họp.

 

2. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động được tiến hành khi có mặt đầy đủ các thành phần tham dự được thông báo theo quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp người sử dụng lao động đã 03 lần thông báo bằng văn bản, mà một trong các thành phần tham dự không có mặt thì người sử dụng lao động tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật lao động, trừ trường hợp người lao động đang trong thời gian không được xử lý kỷ luật quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Bộ luật Lao động.

 

3. Cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham dự cuộc họp quy định tại Khoản 1 Điều này và người lập biên bản. Trường hợp một trong các thành phần đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do”.

 

Bạn có thể viện dẫn các căn cứ pháp luật trên để bảo vệ quyển lợi của mình, theo đó, bạn có thể tiến hành các thủ tục sau:

 

- Tiến hành bàn bạc, thương lượng với NSDLĐ, yêu cầu NSDLĐ giải quyết

 

- Nếu việc thương lượng mà không đi đến thoả thuận chung, hoặc một trong hai bên từ chối thương lượng, bạn có thể yêu cầu sự can thiệp của chủ thể thứ ba thông qua thủ tục hoà giải, trọng tài hoặc xét xử để giải quyết tranh chấp lao động.

 

- Thực hiện khiếu nại theo quy định của Nghị định 119/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo. Bạn có thể tham khảo bài viết 

https://luatminhgia.com.vn/khieu-nai-ve-sa-thai-lao-dong-nop-o-dau-.aspx

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Luật sư tư vấn trường hợp bị công ty sa thải vô căn cứ. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV Dương Xuân - Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo