Trần Phương Hà

Luật đánh người gây thương tích quy định thế nào?

Luật sư cho hỏi quy định pháp luật về việc đánh người khác gây thương tích như sau: Hôm nọ nhà tôi có chuyện về chú tôi là T đã cải nhau với chú Th về việc học nghề cho con trai của chú T , chú Th là chủ gara nên gửi con trai mình cho chú Th để học nghề và cuối cùng đã xảy ra tranh chấp nên không cho con trai học nữa và chú T lúc say xỉn đòi nói chuyện với chú Th và cuối cùng đã đánh nhau và đập cửa kính nhà chú Th bể hết.

Lúc đó cả 2 người đều say. Đến khi ba con về can ngăn nhưng lúc đó ba con cũng đã say ở mức độ nhẹ và có xảy ra cải vả với chú T, và đã đánh nhau, trong lúc 2 người đánh nhau thì vợ chú T ra can cũng bị đánh ở mức độ nhẹ chỉ tát 1 cái và vợ chú T đã cầm chai bia đánh vào đầu ba con và còn dùng cây sắt nhọn đâm ba con và bị thủng ở phần bụng và chảy máu khá nhiều và mẹ con qua xin lỗi vì ai cũng say nên vợ chú T đòi kiện ba con. Và gia đình con đã bị họ dùng hung khí đâm nhưng chưa kiện hiện giờ gia đình con cũng đang kiện về đánh người gây thương tích. Cháu xin hỏi: chú T và vợ có bị xử phạt gì không và nhà con có thể kiện theo mức độ nào ạ!!.

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Hiện tại, đối với hành vi của chú T, chú Th và ba của bạn có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành đánh nhau, cụ thể tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định như sau

"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau;"

Với hành vi của vợ chú T do thông tin bạn cung cấp không rõ việc vợ chú T cầm chai bia đánh và có hành vi dùng vật sắc nhọn đâm ba bạn như vậy với nguyên do là phòng vệ hay là cố ý gây thương tích cho ba bạn.

Thứ nhất. Nếu hành vi trên của vợ chú T là cố ý gây thương tích cho ba bạn thì tuỳ thuộc vào mức độ thương tích của ba bạn mà vợ chú T có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi cố ý gây thương tích.

Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác như sau:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

…”

Vậy với hành vi của vợ chú T là cố ý gây thương tích và gây ra thương tật cho ba bạn từ 11% trờ lên hoặc dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 BLHS thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trên của mình.

Nếu hành vi đó không đủ dấu hiệu để cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại sức khoẻ của người khác thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác.”

Thứ hai, nếu hành vi của vợ chú T là phòng vệ chính đáng thì sẽ không phải chịu trách nhiệm, trừ trường hợp cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng mà gây ra tỉ lệ thương tật cho ba bạn từ 31% trở lên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

…”

Vậy với hành vi trên của chú T, chú Th và ba bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi đánh nhau trên, còn riêng đối với vợ chú T có phải chịu trách nhiệm gì không thì sẽ còn phải căn cứ vào mức độ của hành vi gây ra và ý chí chủ quan của vợ chú T mà có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, hoặc xử phạt vi phạm hành chính, hoặc cũng có thể sẽ không phải chịu trách nhiệm gì, trường hợp này nếu bạn đã khởi kiện vợ chú T thì bạn nên yêu cầu cơ quan công an để thực hiện thủ tục giám định thương tật để xem xét có truy cứu với trách nhiệm không.

Trân trọng!

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo